VASEP chỉ ra 3 bất cập về ngành thuỷ sản “hứa hẹn nhiều năm vẫn không sửa”

VASEP chỉ ra 3 bất cập về ngành thuỷ sản “hứa hẹn nhiều năm vẫn không sửa”
Nêu ra những bất cập tại Hội thảo về Nghị quyết 02, đại diện VASEP thẳng thắn chỉ ra tồn tại liên quan đến quy định xả thải, lao động và việc áp thuế với ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam

Là ngành xuất khẩu có trị giá hàng tỷ USD, song theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam vẫn còn rất nhiều bất cập khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Mặc dù, các bộ ngành đã cải cách và cắt giảm thủ tục hành chính, song ông Nam cho rằng, dường như các Bộ, ngành có sự nể nang nhau nhiều, kéo theo khi doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi lại không đạt được kết quả sửa đổi 100%.
"Có thể ngành chúng tôi không phải để ưu tiên nhưng những vấn đề mang tính nổi cộm chúng tôi đề nghị đầu năm, cuối năm vẫn còn nguyên”, ông Nam nói. 

Chỉ ra 3 tồn tại lớn trong cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực thuỷ sản, ông Nam cho hay, đơn cử chỉ tiêu xả thải của ngành tài nguyên môi trường đang làm khó doanh nghiệp. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản đang gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản. Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu phốt pho và nitơ bởi quy chuẩn QCVN 11:2015 ở mức thấp so với khả năng của thực tế. Ngay các nhà máy đầu tư công nghệ mới và hệ thống xử lý nước thải đầy đủ cũng rất khó đạt.
“Chúng tôi đã nhiều lần gửi đề nghị và được Bộ Tài nguyên và Môi trường hứa xem xét và ban hành QCVN thay thế QCVN 11:2015 ngay trong năm 2019, nhưng không hiểu sao vẫn chưa được”, ông Nam cho biết thêm. 
Sự chậm trễ này tiếp tục đặt doanh nghiệp chế biến thủy sản vào thế khó trong việc cạnh tranh với các đối thủ để tiếp cận thị trường xuất khẩu, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang cận kề thời điểm thực thi.
Một bất cập nữa của ngành chế biến thuỷ sản là việc cơ quan thuế đang coi doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản là ngành sơ chế với mức thuế 20%, trong khi doanh nghiệp chế biến mức thuế chỉ 15%.
“Hệ thống kinh tế ngành của chúng ta đã có mã rồi, tại sao lại áp đặt chúng tôi là ngành sơ chế với mức thuế lên đến 20%? Vậy hãy đổi tên ngành chúng tôi là ngành sơ chế thuỷ sản xuất khẩu”, ông Hoài Nam nói.
Nêu ra bất cập đối với quy định về lao động làm việc trong ngành thuỷ sản, ông Nam cho hay, các doanh nghiệp thuỷ sản đang phải chịu tác động từ một Quyết định tạm thời có từ tháng 3/1999 coi ngành chế biến thuỷ sản là "ngành nặng nhọc, độc hại cấp độ 4".
Quyết định này ban thành cách đây đã 20 năm và theo ông Nam không còn phù hợp nhưng dẫn đến việc các doanh nghiệp trong ngành chỉ được thuê nhân công trên 18 tuổi cho dù nhiều công đoạn không hề nặng nhọc.
“Trong một nhà máy chế biến đấy có đủ các loại công việc, nhưng đã quy định đóng đinh như thế, khách hàng nước ngoài đến làm việc chỉ cần thấy có một công nhân 18 tuổi thôi là họ có thể cắt hợp động vì cho rằng doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động”, ông Nam nói.
Những quy định bất cập như vậy khiến một trong những ngành xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam khó cạnh tranh so với các quốc gia khác. Đặc biệt, việc kiến nghị sửa các quy định về thuỷ sản đã được nêu cụ thể vào Nghị quyết 02/2019 nhưng vẫn chưa thấy các bộ, ngành có động thái sửa đổi, ông Nam cho hay.

HẠ AN

Tags: Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam Vasep Xuất Khẩu Thủy Sản