Dịch bệnh đang gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc khi khiến các hoạt động sản xuất tạm dừng, các chuyến bay bị ngưng trệ, và chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Trung Quốc đã cam kết sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong hai năm tới, bao gồm đậu nành, máy móc và các sản phẩm năng lượng. Để đạt được con số đó, các Cty Trung Quốc cần sớm bắt đầu mua một lượng lớn các sản phẩm của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cũng được cho là sẽ hành động nhanh chóng để mở cửa thị trường cho các Cty tài chính và nông nghiệp Mỹ, thực hiện những cải cách lớn cho các lĩnh vực đó trong vòng vài tháng.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, trong bối cảnh các nhà máy và cửa hàng trên khắp Trung Quốc đã đóng cửa, còn các quan chức chính phủ tập trung vào việc kiềm chế virus, Bắc Kinh sẽ ít có khả năng đáp ứng các điều khoản của Tổng thống Trump. Mary E. Lovely, một chuyên gia cấp cao tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, nói: “Đây có thể là một việc khó giải quyết, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất.” Bà chỉ ra một ví dụ: Các chuyến bay bị ngưng trệ và ngành du lịch lao đao sẽ đè nặng lên các hãng hàng không Trung Quốc, có khả năng khiến việc Trung Quốc mua máy bay mới của Mỹ trong năm nay sụt giảm. Và bà cũng không rõ liệu Mỹ sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.
Trong khi đó, Karthik Natarajan, một chuyên gia về chuỗi cung ứng tại ĐH Minnesota, cho biết việc đóng cửa các thành phố và nhà máy đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và du lịch. Ông nói: “Các phần của thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực vào giữa tháng 2, nhưng trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào việc đối phó với dịch bệnh, việc phát triển các kế hoạch hành động để đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận thương mại có thể sẽ mờ nhạt”.
Một trong những câu cuối cùng trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 có thể là điểm mấu chốt. Điều khoản kêu gọi tham vấn giữa các bên nếu “một thảm họa thiên nhiên hoặc một sự kiện không lường trước vượt ngoài tầm kiểm soát của các bên khiến một bên phải trì hoãn việc tuân thủ kịp thời các nghĩa vụ theo thỏa thuận.” Tuy nhiên, ngay cả khi thảm họa diệt vong xuất hiện, việc Trung Quốc không thể thực hiện các cam kết của mình vẫn có thể tạo ra một số sự phản đối ở Mỹ, có khả năng kéo hai nước trở lại quan hệ căng thẳng trước khi ký kết thỏa thuận thương mại.
Các nhà kinh tế đã dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ gặp trở ngại do sự hoành hành của virus corona, ít nhất là trong ngắn hạn. Các nhà phân tích thuộc ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,4 điểm phần trăm trong quý I-2020, mặc dù tác động đó có thể sẽ giảm dần. Những phí tổn có thể nhanh chóng vượt xa lợi ích kinh tế của thỏa thuận thương mại. Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump đã chào mời những lợi ích kinh tế lớn từ hiệp ước này, song dự báo của các nhà kinh tế lại rất khiêm tốn, vì thỏa thuận này vẫn áp dụng thuế quan đối với hơn 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Một số quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc có thể lợi dụng virus như một cái cớ để trì hoãn việc đáp ứng các cam kết của mình, với hy vọng rằng ông Trump cuối cùng sẽ không thể đắc cử nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai trong năm nay. Ngược lại, một số người ở Trung Quốc đã phản ứng tiêu cực với quyết định hạn chế đi lại giữa các quốc gia do chính quyền Trump đưa ra, bao gồm cả việc cấm nhập cảnh đối với tất cả các công dân nước ngoài gần đây đã du lịch ở Trung Quốc. Ian Bremmer, Chủ tịch văn phòng tư vấn Eurasia Group, nói rằng Chính phủ Trung Quốc coi động thái Mỹ đóng cửa biên giới là “sự khiêu khích không cần thiết, và nó ảnh hưởng xấu đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mới được thông qua gần đây”.
Michael Pillsbury, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Hudson, cho biết ông ủng hộ các biện pháp khẩn cấp và chúng có thể được gia tăng tùy tình hình. Ông nói thêm rằng chính quyền Mỹ sẽ phải cân nhắc cẩn thận những hậu quả tiềm tàng của virus đối với mối quan hệ với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi cần phải cân bằng mối quan tâm phòng tránh bằng việc hạn chế một đại dịch có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của chúng tôi, đi ngược lại với mong muốn của một số người quá nhiệt tình.”
Những bình luận của một số quan chức Mỹ đã làm dấy lên những lo ngại đó. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã mô tả chủng virus này là một cơ hội kinh tế khả thi cho Mỹ. Mặc dù ông Ross bày tỏ sự thông cảm với các nạn nhân của virus corona, song ông nói rằng nó có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả lao động cho Mỹ. Ông nói thêm: “Việc này khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc khi họ xem xét lại chuỗi cung ứng của mình. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nó sẽ thúc đẩy các công việc quay trở lại Bắc Mỹ.”
Chuyên gia Lovely cho biết loại virus này, giống như thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc, đã khuyến khích các Cty kiểm tra chuỗi cung ứng của họ và đầu tư sản xuất một số sản phẩm tương tự bên ngoài Trung Quốc, vì vậy, họ không còn hoàn toàn phụ thuộc vào một nguồn. Tuy nhiên, thường thì các nhà máy này không quay trở lại Mỹ. Bà nói: “Chúng tôi thấy có sự gia tăng cổ phiếu thương mại từ Mexico và từ Việt Nam, nhưng cũng từ cả một số quốc gia có thu nhập cao hơn như Hàn Quốc và Nhật Bản.”
Hồng Phúc