Sản phẩm của Seven.am luôn ghi rõ ràng về nguồn gốc.
Thương hiệu thời trang Seven.am được Công ty cổ phần MHA xây dựng và phát triển với định hướng là dòng thời trang may mặc mang thương hiệu Việt Nam. Do đó, hầu hết những sản phẩm đều được thiết kế, gia công trong nước và được gắn tem, mác Seven.am, trong đó ghi rõ xuất xứ “Made in Vietnam”. Nhưng đầu tháng 11/2019, thông tin từ các cơ quan báo chí phản ánh, phát hiện thương hiệu Seven.am có bán những sản phẩm cắt mác được cho có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sự việc này đã dấy lên sự nghi ngại của khách hàng, người tiêu dùng khi trước nay vốn vẫn nghĩ thương hiệu Seven.am là hàng Việt Nam. Ngay lập tức, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) vào cuộc làm rõ “nghi án” này, đồng thời kiểm tra toàn bộ hệ thống Seven.am, tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm để xác minh thông tin báo chí đã phản ánh.
Theo ông Đặng Quốc Anh, Giám đốc công ty cổ phần MHA, sau khi nhận được thông tin, công ty đã kiểm tra lại hệ thống và phát hiện có tình trạng cắt mác như các cơ quan báo chí đã đăng tải. Tuy nhiên, những sản phẩm cắt mác không phải là sản phẩm chính của thương hiệu Seven.am, mà chỉ là số lượng nhỏ phụ kiện được nhập về để phối đồ. Hơn nữa, các sản phẩm đã cắt mác đều được giữ nguyên, không gắn tem mác của Seven.am và nhân viên khi bán đều có giải thích rõ nguồn gốc của sản phẩm. Dẫu vậy, đây vẫn bị coi là hành vi không đúng với các quy định hiện hành, dẫn tới việc người tiêu dùng khi mua sản phẩm chưa được minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ.
Sau khi kiểm tra, Cục quản lý thị trường Hà Nội cũng đã có văn bản kết luận, chỉ ra những vi phạm hành chính của công ty MHA và thương hiệu Seven.am cần khắc phục: Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; sản xuất kinh doanh hàng hóa có nhãn, không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định; kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định…Ngay lập tức, công ty MHA đã thừa nhận các lỗi nêu trên và tiến hành khắc phục, làm thủ tục hoàn thiện hồ sơ về tiêu chuẩn hợp quy và đã được Sở công thương Hà Nội chấp nhận theo quy định; bổ sung tem phụ ghi rõ nơi sản xuất trên thẻ bài của từng sản phẩm; một số mẫu không gắn chính xác thẻ bài về thời gian sản xuất cũng được gắn bổ sung tem phụ.
Dựa trên kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường thì phần nào cũng đã làm rõ được về những sản phẩm của Seven.am, qua đó công ty MHA cũng khẳng định: thương hiệu Seven.am không gắn mác Made in Việt Nam vào các sản phẩm có tem mác Trung Quốc nhằm đánh tráo xuất xứ hàng hóa và lừa dối người tiêu dùng; bảo đảm các sản phẩm được gắn tem mác Seven.am Made in Việt Nam được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, bởi những người thợ may Việt Nam.
Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, đây là một trong những tình huống khủng hoảng điển hình trong việc quản trị thương hiệu do không nắm rõ luật. Trong trường hợp này thì những thông tin xấu liên quan nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm bị dính “nghi án” lừa người tiêu dùng, chưa cần biết rõ đúng, sai nhưng hình ảnh chủ thương hiệu và thương hiệu sẽ mất uy tín trong mắt người tiêu dùng. Tiếp sau đó là hàng loạt hệ lụy sẽ đi kèm, người tiêu dùng rất có thể sẽ tẩy chay thương hiệu, lan tỏa thông tin để cảnh báo đến những khách hàng tiềm năng khác. Sự cố này đầu tiên sẽ là mất khách hàng, giảm doanh số tức thời, xa hơn có thể mất những hợp đồng đã ký kết nhiều năm với các đối tác truyền thống và không thể lấy lại niềm tin của khách hàng, dẫn tới sụp đổ một thương hiệu. Mặc dù thương hiệu Seven.am đã được minh chứng là những sản phẩm chính của họ đều được sản xuất tại Việt Nam, còn những lỗi nhỏ khác là do thiếu hiểu biết và đã khắc phục được ngay, nhưng để lấy lại hình ảnh và niềm tin của người tiêu dùng thì lại là một chặng đường dài.
Chuyên gia thương hiệu, Thạc sĩ Vũ Xuân Trường, giảng viên trường Đại học Thương mại cho rằng, sai lầm lớn nhất trong sự cố của Seven.am chính là đơn vị này chưa có (hoặc có nhưng năng lực còn yếu) đội ngũ pháp chế hiểu rõ luật, có thể cảnh báo doanh nghiệp và điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Vẫn còn may mắn là trên thực tế sản phẩm mang thương hiệu Seven.am đúng là sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam thật, ngược lại trong trường hợp họ nhập hàng Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam thì chắc chắn thương hiệu này sẽ “chết”, thậm chí chủ thương hiệu còn đối mặt với các vấn đề vi phạm các quy định pháp luật về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá. Để khôi phục lại hình ảnh cho thương hiệu thì doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc gìn giữ hình ảnh và uy tín thương hiệu. Chắc chắn doanh nghiệp này sẽ cần có đội ngũ tư vấn về pháp lý, đồng thời để khôi phục hình ảnh “Made in Việt Nam” trong mắt người tiêu dùng thì các sản phẩm phải được cung cấp cho khách hàng đủ thông tin, dấu hiệu nhận biết sản phẩm, cho họ những trải nghiệm để hiểu rõ hơn về công ty, sản phẩm, quy trình sản xuất…Tự thân khách hàng sau khi sử dụng mới có những đánh giá về sản phẩm, giúp thương hiệu lấy lại được hình ảnh trong tương lai. Đồng thời, đây cũng là bài học “vỡ lòng” cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập đó là: kinh doanh cần cái tâm trong sáng, chiến lược dài hơi, thượng tôn pháp luật và thấu hiểu người tiêu dùng.
Xuân Bách