Giá heo hơi hôm qua tiếp tục tăng mạnh trên cả nước, có nơi tăng tới 6.000 đồng/kg. Cụ thể tại miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt heo hơi tăng tới 5.000 đồng/kg, lên mức 72.000-82.000 đồng/kg. Tương tự, tại miền Nam, giá thịt heo tăng mạnh trên diện rộng.
Cập nhật giá trong ngày hôm qua cho thấy giá heo hơi tại TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh tăng thêm 3.000-6.000 đồng/kg, lên mốc 75.000-85.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại các tỉnh phía bắc cũng leo thang từng ngày, có nơi đã lên tới 88.000-90.000 đồng/kg. Hiện tại, giá tại miền Bắc đang cao nhất cả nước.
Giá heo hơi tăng khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng thịt heo bán lẻ sẽ tiếp tục tăng theo trong thời gian sắp tới. Hiện nay một số nơi đã niêm yết giá sườn non ở mức 280.000 đồng/kg, mức cao nhất từ trước đến nay.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12-12, ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, dự báo từ giờ đến cuối năm 2019, nguồn cung thịt heo trong nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn. Bộ Công Thương đã có giải pháp bình ổn nguồn cung mặt hàng thịt heo dịp cuối năm cũng như các mặt hàng thiết yếu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá thịt heo có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 25%-30% so với tháng 9) và hiện đang ở mức khá cao. Nguyên nhân của việc tăng giá do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019. Số lượng heo mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt heo cho thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống giảm nên việc chăn nuôi heo đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... Tất cả yếu tố này cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt heo.
“Hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt heo và có kế hoạch, đề xuất số lượng nhập khẩu cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta. Lượng thịt nhập khẩu này sẽ bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán. Việc nhập khẩu thịt heo sẽ minh bạch thông tin, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng” - đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 500 tỉ USD Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương, cho biết 11 tháng của năm 2019, xuất khẩu đạt gần 242 tỉ USD trong khi nhập khẩu gần 231 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch đạt khoảng 472 tỉ USD. Với mức bình quân xuất nhập khẩu đạt 43 tỉ USD/tháng, thứ trưởng Công Thương nói con số này sẽ vượt mốc 500 tỉ USD vào nửa sau tháng 12. Như vậy, lần đầu tiên Việt Nam có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 500 tỉ USD. Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Công Thương cho biết cơ quan này sẽ sửa Nghị định 83/2014 về quản lý kinh doanh xăng dầu với mục tiêu đảm bảo lợi ích quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ở lần sửa đổi này, cơ quan quản lý vẫn giữ quỹ bình ổn xăng dầu, dù trước đó nhiều ý kiến chuyên gia, hiệp hội đề xuất bỏ quỹ này. Việc giữ quỹ bình ổn sẽ giúp điều tiết thị trường xăng dầu. Một nội dung mới nữa trong lần sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu là khuyến khích sự tham gia đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh lĩnh vực này cũng sẽ được cởi bỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. |
Quang Huy - Trà Phương