Ngoài khoản hỗ trợ 25.000 đồng/kg thịt, cơ sở chăn nuôi thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi cũng được giãn nợ nếu không có khả năng trả nợ, thậm chí được xét đến việc xóa nợ.
Ngày 10/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân lần thứ hai tại TP Cần Thơ với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.
Tại đây, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đã hỏi Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành về chính sách đột phá để ưu tiên, hỗ trợ ngành chăn nuôi, đặc biệt là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Theo đó, người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi sẽ nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn trích dẫn Quyết định số 793/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành ngày 27/6/2019.
Cụ thể, Chính phủ hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn thịt (khoảng 70% giá thành sản xuất); hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn giống; 500.000 đồng/con lợn giống cụ kỵ, ông bà.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định đã có nhiều khoản tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ đối với người dân chưa có khả năng trả nợ.
"Chúng tôi chỉ đạo tất cả chi nhánh khoanh nợ, kéo dài các khoản nợ, tạo điều kiện cho người dân, trong đó có người dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi có điều kiện tái đàn, khôi phục sản xuất", ông nói.
Vị này cũng cho biết thêm, nếu sự việc xảy ra với quy mô lớn thì có thể tính đến việc xóa nợ.
Trước đó, báo cáo với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 18/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết từ đầu tháng 2 đến ngày 15/11, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, TP với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con. Tổng trọng lượng là 337.000 tấn, chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Trí Công nhận định số liệu này chưa thể hiện chính xác thực tế, vì nhiều hộ chăn nuôi vẫn tự tiêu hủy và chôn lấp ngay tại trang trại.
Ông cũng dự đoán nguồn cung sẽ tiếp tục gặp khó khăn nếu không có giải pháp kịp thời, bởi với năng lực sinh học và thực tế chưa có vaccine như hiện nay, ít nhất 1-2 năm nữa mới kỳ vọng tái đàn được.