Khi trả lời phỏng vấn Channel NewsAsia hôm 11/12, CEO Li Chunrong nhấn mạnh rằng Proton trước đây từng đối mặt với những vấn đề về chất lượng. Tuy nhiên, hãng xe nội địa Malaysia đã tiến một bước dài trong khu vực.
"Điều đó từng là vấn đề với Proton, họ không có tiềm lực để nghiên cứu kỹ về chất lượng", vị giám đốc điều hành nói. "Nhưng giờ đây, với chuyên môn và nguồn lực từ Geely cũng như kinh nghiệm của Proton với vai trò là một hãng xe quốc gia, chúng tôi có khả năng sản xuất những chiếc ôtô với chất lượng tốt hơn".
"Với vị thế sản phẩm mới của mình, những đối thủ của chúng tôi là Honda và Toyota", Li thêm. Người đàn ông này muốn Proton tập trung vào chi tiết hơn nữa và nhờ thế, hãng sẽ tiến tới phân khúc cao cấp. Thậm chí Li không coi hãng xe đồng hương Perodua là đối thủ.
Dịch chuyển từ vị trí mà nhiều người Malaysia xếp đánh giá là một "chiếc xe hơi cơ bản" sang "ôtô cao cấp" là một phần của kế hoạch 10 năm dành cho Proton, Li cho biết. "Perodua không phải đối thủ của chúng tôi. Tại sao ư? Vì vị thế sản phẩm khác nhau".
Những nỗ lực trong hai năm qua đã đưa Proton tiến xa so với đối thủ đồng hương, về mặt định vị thị trường. Mẫu sedan Saga của Proton được vị giám đốc tự tin đánh giá tốt hơn nhiều so với mẫu xe cạnh tranh Bezza từ Perodua. Saga được sản xuất từ năm 1985 và đang ở thế hệ thứ ba, lại vừa có bản nâng cấp, trong khi Bezza vẫn là thế hệ đầu tiên kể từ khi ra mắt năm 2016.
Trong nhiều năm, hãng xe đầu tiên của Malaysia từng trong tình trạng nợ nần và phải dựa vào các khoản vay từ chính phủ, những lần rót vốn, và những sự khích lệ.
Trong 2017, Geely mua 49,9% cổ phần Proton. Với Li ở vị trí điều hành, Proton được kỳ vọng tạo đột phá và mang lại lợi nhuận trong năm tiếp theo.
Nhưng Perodua lại hơn Proton nếu so về doanh số. Thành lập sau Proton tới 10 năm, nhưng thương hiệu xe hơi thứ hai của Malaysia lại được biết đến với những mẫu xe con chất lượng với mức giá tương đường hoặc thấp hơn Proton.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Malaysia (MAA), Perodua bán được 22.808 xe trong tháng 10, còn Proton là 9.803 xe.
Trong buổi phỏng vấn, Li nói rằng niềm tin của người dân vào thương hiệu Proton đã được vực dậy sau màn ra mắt mẫu SUV X70 hồi tháng 12/2018. "Chúng tôi bán được 26.000 chiếc X70 chỉ trong năm ngoái và dù chưa đạt mục tiêu 30.000 xe, điều đó vẫn được coi là thành công".
Phiên bản nâng cấp của các mẫu PIES cũng góp phần vào nỗ lực làm mới hình ảnh thương hiệu. PIES được viết tắt từ Persona, Iriz, Exora và Saga. Proton mất 16 tháng để phát triển năm sản phẩm này (tính cả X70) và ra mắt tất cả trong vòng tám tháng.
Sau khi ra mắt hồi tháng 8 vừa qua, mẫu Saga bản nâng cấp góp thành công lớn vào doanh số xe Proton, với 70%, trong khi X70 là 19%. Cách đây khoảng ba năm, mỗi tháng, 2.200 chiếc Saga bán ra. Nhưng từ tháng 8, con số là 4.000 xe.
Proton còn muốn trở thành một thương hiệu quốc tế tính đến 2027. Đặc biệt, hãng xe Malaysia tham vọng tăng mạnh xuất khẩu. Li nhấn mạnh, rằng Thái Lan hiện sản xuất hai triệu xe mỗi năm, và hiện xuất khẩu khoảng một triệu xe. Với Indonesia, tỷ lệ xuất khẩu là 30%. Còn Malaysia chỉ là 3%.
Năng lực xuất khẩu mạnh nhất của Proton là vào năm 2005, với 20.000 xe mỗi năm. Nhưng trong 2017, quốc gia này chỉ đưa ra thị trường quốc tế được 200 xe. "Vì sao ư? Do sản phẩm", Li nói.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Proton hiện nay là Ai Cập, nơi đón nhận các phiên bản vô-lăng bên trái của các mẫu Saga và Exora. Trong hai năm qua, Proton đã tăng mức xuất khẩu lên 1.000 xe.
Nhưng thế vẫn chưa đủ. Các phiên bản nâng cấp khi ra mắt trong năm tới được kỳ vọng giúp hãng tăng lên mức 5.000 xe mỗi năm.
Thị trường Pakistan sẽ là điểm đến tiếp theo của Proton, nơi hãng đang làm việc với một đối tác địa phương để xây dựng một nhà máy lắp ráp. Dự án đang được xúc tiến và dự kiến là một phần của kế hoạch 10 năm.
Ở Malaysia hiện nay, ôtô nội địa thống trị thị trường. Đứng trong top 3 bảng doanh số hàng tháng luôn có Perodua và Proton. Theo kết quả bán hàng 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh số toàn ngành công nghiệp ôtô ở Malaysia là 296.334 xe, tăng 2,29% so với cùng kỳ 2018.
Mỹ Anh