Đông đảo PV các cơ quan báo chí có mặt tại cuộc họp do Bộ TNMT tổ chức chiều 19/12, đều được mời ra ngoài sau ít phút đầu khai mạc
Chiều nay, 19/12, Bộ TNMT tổ chức buổi họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Đại diện các bộ Công Thương, NN-PTNT, GTVT, Xây dựng, KH-CN, GD-ĐT, Tài chính, KH-ĐT, Nội vụ, TT-TT, Y tế cùng hai TP Hà Nội và Hồ Chí Minh tham dự. Đông đảo cơ quan báo chí đã tới ghi nhận thông tin.
Tuy nhiên, ngay những phút đầu, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đứng lên chỉ đạo: Đây là cuộc họp bàn về vấn đề nóng, nhiều ý kiến chuyên môn được đưa ra phân tích. “Để các đại diện không bị phân tâm, ảnh hưởng, tôi đề nghị sau 15 phút đầu, mời phóng viên báo chí ra khỏi phòng họp. Tất cả thông tin kết luận sẽ được chúng tôi gửi tới phóng viên một cách đầy đủ chính xác”, ông Hà nói.
Trước sự phản ứng của giới báo chí, ban tổ chức cho biết, phóng viên sẽ được mời tham dự lại trong 15 phút cuối khi chủ tọa phát biểu kết luận.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh cả năm 2019, đặc biệt thời gian cuối năm, chất lượng không khí tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM liên tục vượt quá ngưỡng cho phép gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân với mật độ ngày càng nhiều. “Đây là vấn đề gây ra lo lắng chính đáng của người dân, Chính phủ và các bộ ngành cũng rất quan tâm. Thủ tướng đã có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí trong đó phân công trách nhiệm rõ rang từng bộ ngành, địa phương”, Bộ trưởng Bộ TNMT nói.
Trước tình trạng trên, người đứng đầu Bộ TNMT yêu cầu đại diện bộ ngành xác định chính xác thực trạng, nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí. “Tất cả những thông tin này phải được cung cấp đầy đủ kỹ lưỡng chính xác thông tin tới người dân. Thông tin không chính xác sẽ tạo ra những lo ngại không cần thiết đối với người dân hoặc bị lợi dụng để ảnh hưởng mất an ninh trật tự xã hội”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, phiên họp sẽ tập trung thảo luận về tình hình thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; phối hợp xác định nguyên nhân và đưa ra các biện pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn.
Được biết, trong nhiều tháng qua, tình hình diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mới đây nhất là đợt ô nhiễm từ 7-13/12, đặc biệt là trong các ngày 10 - 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu (giá trị từ 201-300).
Hoàng Ngân