Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
Năm vừa qua, những doanh nghiệp từng được gọi là “quả đấm thép” của nền kinh tế đã không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đầu tư phát triển, tỷ lệ giải ngân thấp. Tập đoàn, tổng công ty nào đạt giá trị đầu tư cao cũng mới chỉ trên 90% kế hoạch. Tổng doanh thu của 19 tập đoàn dù bằng 99,09% kế hoạch, nhưng cũng chỉ tăng hơn 6,4% so với năm trước đó.
Cũng trong năm qua, 13 tập đoàn có mức doanh thu, 9 tập đoàn, tổng công ty đạt lợi nhuận trước thuế thấp hơn mức đã đạt được năm 2018. Đặc biệt, hầu hết dự án lớn của các tập đoàn, tổng công ty này đều chậm tiến độ...
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 20,38 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng ghi nhận thêm gần 140.000 doanh nghiệp mới thành lập, với số vốn đăng ký bình quân 12 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Nếu nhìn vào tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội, thì khu vực kinh tế tư nhân cũng đang ở thế tiên phong khi chiếm 46% tổng vốn đầu tư, với giá trị 942.500 tỷ đồng. Đây còn là khu vực có tốc độ tăng vốn cao nhất (17,3%) so với năm trước đó. Khu vực doanh nghiệp nhà nước ở vị trí thứ hai, với 31% và tăng 2,6%...
Có thể sự chậm lại trong đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước lại là cơ hội của khu vực doanh nghiệp tư nhân, khi doanh nghiệp nhà nước và cả nguồn đầu tư tư ngân sách đang lui chân ra khỏi những ngành nghề, lĩnh vực mà tư nhân có thể làm, muốn làm. Nhưng vấn đề ở chỗ, sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước là để thực hiện một số chiến lược quốc gia nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế; để thực hiện những công việc mà doanh nghiệp tư nhân chưa đủ sức làm hay không muốn làm. Có nghĩa, sự trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện kế hoạch đầu tư, phát triển năm 2019 của nhiều tập đoàn, tổng công ty sẽ làm chậm những kế hoạch thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế những năm tới.
Đó là chưa kể, đây là khu vực đang nắm tới 30% nguồn lực của nền kinh tế, về cả tài sản, công nghệ, trình độ quản lý… lẫn nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu những nguồn lực này không phát huy hiệu quả, chậm được giải phóng, thì tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Đã có tính toán rằng, khi khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng thêm 10% sẽ tạo thêm 3% GDP cho nền kinh tế. Vậy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có muốn trở lại vị thế “quả đấm thép” hay không? Làm thế nào để đạt được mức tăng trưởng như vậy?
Đây là những câu hỏi chắc chắn không chỉ đặt ra với riêng doanh nghiệp khi tìm kiếm câu trả lời cụ thể.
Bảo Duy