Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý 4/2019, doanh thu thuần của FICO đạt 1.067 tỷ đồng, giảm hơn 48% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nguồn thu có được hoàn toàn đến từ bán thành phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Mảng kinh doanh bất động sản “trắng tay”, trong khi cùng kỳ đóng góp gần 20 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong quý IV cũng giảm hơn 54% còn 13 tỷ đồng. Ngoài ra, FICO còn khoản lỗ khác hơn 280 triệu đồng, trong khi cùng khi lãi đến 5 tỷ đồng. Qua đó, lỗ ròng của FICO trong quý 4 lên đến hơn 9 tỷ đồng.
Hết năm 2019, FICO ghi nhận 3.898 tỷ đồng tổng doanh thu và gần 59 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 40% và đến 81% so với năm trước; qua đó chỉ thực hiện được 38% và 8% kế hoạch cả năm. Lãi ròng của FICO đạt mức 14 tỷ đồng, giảm 81% so với năm trước, thấp nhất trong 9 năm qua.
Đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của FICO đạt 3.471 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 1.741 tỷ đồng, giảm gần 15%; tài sản dài hạn đạt 1.730 tỷ đồng, tăng 30%.
Nợ phải trả của FICO tại thời điểm cuối năm đạt 2.011 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của FICO lại giảm nhẹ từ 58.07% (năm 2018) xuống 57.95% (năm 2019), so với thời điểm cuối năm 2016 là 67.57% thì cơ cấu nguồn vốn của FICO đã có những điểm sáng nhất định.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FIC có thanh khoản thấp, khối lượng giao dịch bình quân chỉ đạt 549 cổ phiếu/phiên trong 1 năm trở lại đây. Diễn biến giá cổ phiếu cũng lên xuống thất thường, hiện đang giao dịch tại mức 10.100 đồng/cổ phiếu (kết phiên sáng 13/02).