Vườn hối hả đón sắc Xuân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tết đến Xuân về, hoa đào giống như món ăn tinh thần, trở thành “thú chơi,” nét đẹp văn hóa của hầu hết mỗi gia đình người Việt. Bởi thế, những ngày cận Tết Nguyên đán, các làng trồng đào trên cả nước lại tất bật cho vụ thu hoạch lớn nhất năm.
Nằm ở phía Tây, chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15 km, làng đào Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) những năm gần đây đã trở thành nơi cung cấp “sắc Xuân” lớn ở miền Bắc, thu hút đông đảo người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Thắng bại của nghề trồng đào trong tay... "ông trời"
Làng đào Đình Bảng những ngày giáp Tết tất bật lạ thường. Từ sáng tới chiều, từng đoàn người tìm về những vườn đào để lựa chọn cho mình một cành đào ưng ý. Những đoàn xe máy, ôtô rồng rắn chở những cây đào thế đẹp lên bán nơi phố thị...
Tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus cho thấy, các vườn đào gốc lớn đã bán và cho thuê gần hết. Càng gần Tết, khách đến càng đông nên lượng đào bán ra cũng tăng theo ngày.
Đình Bảng trước đây vốn là xã thuần nông nghiệp của huyện Từ Sơn. Tháng 10/2008, Từ Sơn được nâng cấp và trở thành thị xã, Đình Bảng cũng từ đó trở thành phường, nhưng diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm hàng trăm ha.
Trong câu chuyện với người viết, ông Ngô Tạo Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Đình Bảng cho biết người dân vốn cần cù, nhanh nhạy làm ăn nên nhiều năm nay nơi đây nổi lên như một vùng trồng đào lớn nhất nhì phía Bắc.
Đáng chú ý, trồng đào ở đây không phải là nghề cổ truyền của người dân Đình Bảng, bởi cách đây khoảng hơn 15 năm, khi vùng đào Nhật Tân (Hà Nội) có nguy cơ mai một, một số người dân Đình Bảng đã lân la tìm về học nghề. Dần dà, học được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, giống đào Nhật Tân đã thích nghị được ở Đình Bảng.
Sau một thời gian làm quen với việc trồng đào, người dân tự nâng cao tay nghề, tự chiết, ghép, nhân giống đào cho các vụ sau. Cứ thế, đến nay, tổng diện tích đào của phường Đình Bảng đã lên tới khoảng hơn 81 ha, trồng rải rác ở 13/16 khu dân phố.
Những khu vườn trồng đào như nhà anh Nguyễn Văn Yên, khu dân phố Trung Hòa cũng đã sẵn sàng cho một năm “thắng lớn.” Anh Yên cho biết gia đình trồng đào đã ngót 15 năm. Nhận thấy nghề trồng đào bán Tết mang lại thu nhập khá, nhưng vì thiếu đất sản xuất nên anh đã thuê của các hộ dân 5 sào để trồng đào bích, đào rừng.
Theo anh Yên, khi mới trồng, cũng như vài hộ khác, anh vẫn phải về Nhật Tân để lấy đào giống sau mỗi vụ Tết. Nhưng trăm hay không bằng tay quen, qua vài vụ, anh đã có thể tự nhân giống cho vụ sau. Và bây giờ đã trở thành chuyên gia trồng đào.
“Đào cho thu nhập cao hơn trước đây trồng lúa gấp nhiều lần. Nhưng để kiếm được đồng tiền cũng không dễ dàng gì. Đào là loại dễ trồng nhưng khó chăm sóc, nhiều sâu bệnh. Một tháng hai lần đều đặn phải kiểm tra, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ các loại bệnh như gỉ sắt hay sâu hại, nhện đỏ,” anh Yên chia sẻ.
Dù vậy, anh Yên cũng lưu ý để có một vụ đào thắng lớn, ngoài yếu tố chăm sóc, 70% quyết định vẫn là do “ông trời.” Như đợt vừa qua, lạnh sâu, nhiều sương muối, người trồng đào phải tìm đủ mọi cách để che chắn, bón kali bổ sung cho cây. Riêng năm nay, gia đình anh Yên ươm 350 gốc đào bích và hàng trăm gốc đào rừng.
Mang thu nhập ổn định cho nhà nông
Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, nhiều cây có thế đẹp, từ đầu tháng 12 Âm lịch đến nay, nhiều khách hàng đã tìm tới vườn nhà anh Yên đặt mua để chơi cả trước và sau Tết.
“Đào bích chủ yếu bán cho thương lái, còn đào rừng nhà tôi cho thuê, sau Tết lại đem về chăm sóc. Giá đào bích thì tương đối ổn định, còn đào rừng thì vô cùng lắm. Cây rẻ thì 5 triệu, có cây 15 triệu, mà vài chục triệu cũng có,” anh Yên phấn khởi và cho biết 2-3 năm qua, đào Đình Bảng đều được giá.
Cùng khu dân phố trồng đào Trung Hòa, anh Trần Mạnh Sơn, cho biết rút kinh nghiệm từ do năm 2018, trời nắng nhiều dịp giáp Tết nên đào nở sớm, năm nay, người trồng đào ở Đình Bảng lùi thời gian tuốt lá để hãm hoa thì trời lại lạnh nhiều.
Theo anh Sơn, trước diễn biến thời tiết năm nay, người trồng đào Đình Bảng đã chăm chỉ tưới dưỡng cho cây, đảm bảo đào nở đúng dịp Tết.
“Bao năm qua, đào của chúng tôi chủ yếu là thương lái mua buôn, chỉ còn rất ít bán cho người dân địa phương. Vì vậy, đào có được mùa hay mất mùa, nhưng giá bán vẫn ổn định. Loại đẹp, giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng/cây, đào cành thì loanh quanh 400 – 500.000 đồng,” anh Sơn chia sẻ.
Nhìn nhận ở góc độ chính quyền địa phương, ông Ngô Tạo Lợi cho biết những năm qua, địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng đào Tết.
Để đảm bảo cho người dân “sống khỏe” và phát triển được từ nghề trồng đào, những năm đầu, phường còn cấp kinh phí, hỗ trợ mua giống. Sau này, địa phương tiếp tục bố trí kinh phí làm đường, hệ thống thủy lợi bao quanh các khu trồng đào. Hằng năm, phường còn dành kinh phí, nhân lực hỗ trợ người dân diệt chuột.
Theo ông Lợi, dù cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm phần nhỏ, nhưng nghề trồng đào luôn mang lại lợi ích kinh tế ổn định cho người dân. Tính trung bình toàn phường, người dân thu về khoảng 30 triệu đồng/sào đào.
“Dịp giáp Tết, phường Đình Bảng bố trí khu vực dọc các trục đường chính để người dân có thể trưng bày, buôn bán thuận lợi. Mong sao nghề trồng đào ngày càng phát triển, người dân giàu có thì kinh tế địa phương mới phát triển được,” ông Lợi nói./.
Hùng Võ