heo Tổng cục Thủy sản, tính đến ngày 30/10/2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,64 tỷ USD (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018). Nguyên nhân do, kim ngạch xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019 bắt nguồn từ nhu cầu dự trữ hàng hóa ở thời điểm cuối năm 2018 do lo ngại giá cá sẽ tăng cao trong năm 2019 khiến doanh nghiệp giảm mua cá nguyên liệu ở thời điểm này. Bên cạnh đó, do giá cá tra nguyên liệu đã duy trì ở mức cao liên tục trong 2 năm 2017 - 2018 đã khuyến khích sản xuất.
VASEP cho hay, trừ xuất khẩu sang Trung Quốc trên đà hồi phục mạnh, quý III/2019, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 198,3 triệu USD, tăng 56,6% so với quý III/2018. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác đều đảo chiều theo hướng xấu đi.Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đầu tư nguồn lực mở rộng diện tích nuôi thương phẩm ở một số địa phương có tiềm năng đã góp phần tăng nguồn cung cho thị trường, tạo xu hướng giảm giá do dư cung. Một số quốc gia nuôi cá tra khác như Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh đã đầu tư phát triển cá tra, đặc biệt Indonesia bắt đầu xây dựng, quảng bá dòng cá tra sạch và chiếm lĩnh thị trường Trung Đông. Ả rập Xê út vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó có sản phẩm cá tra. Trung Quốc thắt chặt việc kiểm tra chất lượng, xuất xứ hàng hóa đối với các lô hàng xuất khẩu qua đường biên mậu từ ngày 1/6/2019 khiến các nhà xuất khẩu cá tra chưa kịp ứng phó.
Thực tế, đứng đầu các thị trường nhập khẩu cá tra, Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ và EU, với 450,7 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nhưng hiện nay sản phẩm cá tra philê đã có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên.
Các chuyên gia nhận định, mức tăng trưởng đột phá 56,6% trong quý III/2019 tại thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục là trụ cột, là thị trường thay thế quan trọng cho các doanh nghiệp cá tra trong quý IV. Dự báo, xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với quý III, và tiếp tục bỏ xa thị trường Mỹ, giữ vững vị trí thị trường cá tra số 1 của Việt Nam.
Mặc dù Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo trên hệ thống nội bộ về quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 01/8/2017 đến ngày 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra - basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đem lại hy vọng cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường này. Tuy nhiên, trên thực tế, giá xuất khẩu vẫn giảm sâu, chưa phục hồi là điểm đáng lưu ý của thị trường này năm nay.
Theo VASEP, XK sang thị trường Mỹ không có cơ hội phục hồi ít nhất đến hết quý I/2020, sau khi có kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cá tra giai đoạn POR15 với hy vọng kết quả giữ mức 0% như trong kết quả sơ bộ mà DOC Hoa Kỳ vừa đưa ra.
Trong khi đó, xuất khẩu hải sản sang EU gặp khó vì thẻ vàng, có thể doanh nghiệp cá tra và tôm có thêm dư địa xuất khẩu sang thị trường này trong những tháng cuối năm. Xuất khẩu 2 sản phẩm nuôi chủ lực vẫn giảm nhưng đã có tín hiệu khả quan hơn so với nửa đầu năm và dự kiến trong quý IV/2019 kết quả sẽ tích cực hơn, tuy nhiên trong đà sụt giảm hiện tại, khó có thể đạt được mức tăng trưởng dương.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020, sản phẩm cá tra sẽ được giảm thuế dần về 0% theo lộ trình 3 năm, tức là từ năm 2023 mới được hưởng 0%, từ mức thuế cơ bản 5,5% hiện nay (cá tra phile đông lạnh). VASEP nhận định, như vậy ít nhất sau ba năm cá tra mới được hưởng lợi về thuế quan từ hiệp định này.
Do đó, VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra trong quý IV/2019 giảm ít nhất 10% đạt 600 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu cả năm 2019 lên 2,06 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2018.
Nguyễn Hạnh