Năm 2020, ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn

Năm 2020, ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn
Năm 2020, công suất sản xuất thép tăng đáng kể trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm lại, có thể gia tăng sức ép cạnh tranh cho thị trường trong nước.

2019 là một năm khó khăn đối với xuất khẩu thép do sự lan rộng của xu hướng bảo hộ giữa các quốc gia để áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép. 

Thị trường Mỹ và EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, thứ 3 của Việt Nam đã giảm mạnh về sản lượng (44%). Cùng với đó, giá thép giảm do nhu cầu và xu hướng giá toàn cầu giảm, dẫn đến thua lỗ ở một số công ty sản xuất thép xây dựng.

Giá thép giảm ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép, hiện nay, nhiều công ty đã giảm sâu tỷ suất lợi nhuận hoặc thua lỗ và phải cắt giảm sản lượng sản xuất, dẫn đến mất thị phần.

Năm 2020, ngành thép trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: KT)
Năm 2020, ngành thép trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: KT)

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, ước tính tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành tiếp tục ở mức thấp từ 5-7% trong năm 2020 do sự trì trệ ở thị trường bất động sản cùng với đầu tư công chậm. Tuy nhiên, việc gia tăng giải ngân nguồn vốn FDI có thể là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu thép. 

Trong năm 2020, tổng công suất thép xây dựng ước tính tăng 15%, sự gia tăng này đến từ khu liên hợp thép Dung Quất của HPG và nhà máy VAS Nghi Sơn với công suất lần lượt là 2 triệu tấn và 500.000 tấn. 

Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, xu hướng chiếm lĩnh thị phần trong mảng thép xây dựng có thể tăng tốc theo hướng có lợi cho các công ty lớn với lợi thế đáng kể về chi phí sản xuất, vận chuyển, và hệ thống phân phối như HPG. 

So với thép xây dựng, thị trường tôn mạ có thể ổn định hơn trong năm 2020, do các công ty lớn nhất không có kế hoạch mở rộng công suất trong năm tới. 

Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép ở các công ty sản xuất lớn nhất thế giới, điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến giá thép trong Việt Nam. 

Hiệp hội thép Việt Nam dự báo, nhu cầu thép ở Trung Quốc trong năm 2020 ước tính tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ước tính là 7,8% trong năm 2019. Do đó, tổng mức tăng trưởng nhu cầu thép thế giới ước tính đạt 1,7% trong năm 2020, giảm từ 3,9% trong năm 2019. Công suất tăng đáng kể trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thép xây dựng, có thể gia tăng sức ép cạnh tranh cho thị trường trong nước, và làm giá thép trong nước biến động mạnh hơn./.

PV

Tags: Thép Giá Thép Eu Ssi Fdi Hpg Vas Nghi Sơn