Năm 2020: Những ngày không làm việc vẫn hưởng nguyên lương

Năm 2020: Những ngày không làm việc vẫn hưởng nguyên lương
Hầu hết người lao động (NLĐ) chỉ biết ngày lễ, Tết, ngày nghỉ phép năm được nghỉ làm và hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, theo quy định, vẫn còn nhiều trường hợp khác NLĐ cũng được hưởng đặc quyền này.

Cụ thể các trường hợp NLĐ không làm việc vẫn hưởng nguyên lương 2020 như sau:

1. Nghỉ giữa giờ: NLĐ làm việc liên tục được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc. Trường hợp làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc (điều 108 Bộ Luật Lao động 2012).

2. Nghỉ hàng tuần, mỗi tuần: NLĐ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục (1 ngày). Trường hợp đặc biệt không thể nghỉ hàng tuần thì NLĐ được nghỉ bình quân ít nhất 4 ngày/tháng (khoản 1, điều 110 Bộ Luật Lao động 2012).

Năm 2020: Những ngày không làm việc vẫn hưởng nguyên lương - Ảnh 1.
Nhiều trường hợp không làm việc vẫn hưởng nguyên lương trong năm 2020

3. Nghỉ hàng năm: Người có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì được nghỉ hàng năm: 12 ngày làm việc với người làm việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc với người làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt; lao động chưa thành niên hoặc người khuyết tật; 16 ngày làm việc với người làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt. Người có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc (điều 111 Bộ Luật Lao động 2012).

4. Tết Dương lịch: Nghỉ 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch), theo khoản 1, điều 115 Bộ Luật Lao động 2012.

5. Tết Âm lịch: Nghỉ 5 ngày (thời gian nghỉ Tết âm lịch do doanh nghiệp lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm âm lịch hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm âm lịch), theo điều 8 Nghị định 45/2013/NĐ-CP.

6. Ngày Chiến thắng: Nghỉ 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch), theo khoản 1, điều 115 Bộ Luật Lao động 2012.

7. Ngày Quốc tế lao động: Nghỉ 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch), theo khoản 1, điều 115 Bộ Luật Lao động 2012.

8. Ngày Quốc khánh: Nghỉ 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch), theo khoản 1, điều 115 Bộ Luật Lao động 2012.

9. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương: Nghỉ 1 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch), theo khoản 1, điều 115 Bộ Luật Lao động 2012.

10. Tết cổ truyền của người nước ngoài: Lao động là công dân nước ngoài được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc của nước mình (khoản 2, điều 115 Bộ Luật Lao động 2012).

11. Ngày Quốc khánh của người nước ngoài: Lao động là công dân nước ngoài được nghỉ thêm 1 ngày Quốc khánh của nước mình (khoản 2, điều 115 Bộ Luật Lao động 2012).

12. Kết hôn: Nghỉ 3 ngày (khoản 1, điều 116 Bộ Luật Lao động 2012).

13. Con kết hôn: Nghỉ 1 ngày (khoản 1, điều 116 Bộ Luật Lao động 2012).

14. Bố/mẹ đẻ chết; Bố/mẹ vợ hoặc bố/mẹ chồng chết; Con chết: Nghỉ 3 ngày (khoản 1, điều 116 Bộ Luật Lao động 2012).

15. Ngừng việc: Trường hợp phải ngừng việc do lỗi của NSDLĐ thì NLĐ được trả đủ tiền lương (khoản 1, điều 98 Bộ Luật Lao động 2012).

16. Tạm đình chỉ công việc: NSDLĐ tạm đình chỉ công việc của NLĐ để xác minh vụ việc không quá 15 ngày; trường hợp đặc biệt không quá 90 ngày. Hết thời hạn này, NLĐ không bị xử lý kỷ luật thì được trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ (điều 129 Bộ Luật Lao động 2012).

17. Nơi làm việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động: NLĐ có quyền từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình (khoản 2, điều 140 Bộ Luật Lao động 2012).

18. Bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: NSDLĐ có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động (khoản 3, điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015).

19. Người sử dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật: Phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã giao kết và phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày NLĐ không được làm việc (khoản 1, điều 42 Bộ Luật Lao động 2012).

20. Lao động nữ làm việc nặng nhọc mang thai từ tháng thứ 7: Giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày (khoản 2, điều 115 Bộ Luật Lao động 2012).

21. Lao động nữ trong thời gian hành kinh: Được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ (khoản 5, điều 155 Bộ Luật Lao động 2012).

22. Lao động nữ trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi: Được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ (khoản 5, điều 155 Bộ Luật Lao động 2012).

H.Lê

Tags: Nlđ Bộ Luật Lao Động Sử Dụng Lao Động Người Lao Động Nghỉ Lễ