Theo các nhà đầu tư, điện gió thân thiện hơn nhiều nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian qua - Ảnh: Internet
Tại Hội nghị triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam chiều 13.1, Báo cáo của Ban Thị trường điện EVN cho biết ngoài 9 dự án điện gió đã được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD), hiện còn 31 dự án (tổng công suất 1.645MW) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa COD.
Trong đó, theo tính toán của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), điều kiện giải tỏa công suất đảm bảo như cam kết trong PPA đã ký. Cụ thể, với các dự án COD trong năm 2020, có xuất hiện quá tải khu vực Trà Vinh, Ninh Thuận và Bình Thuận; các khu vực khác đảm bảo giải tỏa tốt. Các dự án COD 2021 chỉ xuất hiện quá tải khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận, các khu vực khác bình thường.
Ngoài ra, hiện còn 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến 2025 nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất khoảng 2.700MW. Qua tính toán, khu vực Phú Yên quá tải nhẹ; khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận quá tải; khu vực Quảng Trị giải tỏa tốt khi có TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Lao Bảo - Đông Hà; các khu vực còn lại đảm bảo giải tỏa tốt.
Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho biết trên địa bàn Bình Thuận, Ninh Thuận có 21 nhà máy năng lượng tái tạo vận hành, gồm: 18 nhà máy là điện mặt trời, chỉ có 3 nhà máy điện gió. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang thực sự gặp khó khăn khi các nhà máy phải cắt giảm công suất.
"Hiện đang là mùa gió tốt nhưng nhà máy điện gió trên địa bàn Bình Thuận không được huy động hết công suất. Có thời điểm nhà máy chỉ được huy động 39%, bị cắt giảm 61%, nên sản lượng điện của nhà máy điện gió Phú Lạc chỉ đạt 3 triệu kWh, trong khi cùng kỳ năm 2018 là hơn 10 triệu kWh", ông Thịnh nêu.
Trong khi đó, theo ông Thịnh, giá điện gió không hấp dẫn bằng điện mặt trời, 8,35 cent một kWh với dự án trên bờ. Trước thực trạng trên, để đảm bảo công bằng giữa các nhà máy điện, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đề nghị EVN đưa các dự án này ra khỏi danh sách bị cắt giảm công suất.
Trước những kiến nghị trên, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết trong số hơn 4.500MW điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành trước ngày 30.6.2019, hiện còn 440MW đang phải giảm công suất phát. EVN đang phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án giải tỏa công suất. Dự kiến, khoảng quý III/2020, Tập đoàn sẽ giải tỏa hết nguồn công suất này, sớm hơn so với kế hoạch.
"Cơ chế giá FIT của điện gió sẽ kết thúc vào tháng 11.2021. Chính vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả các dự án điện gió, EVN mong muốn các nhà đầu tư trao đổi, chia sẻ thẳng thắn để phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với EVN trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc", Tổng giám đốc Trần Đình Nhân cho hay.
Tổng giám đốc EVN khẳng định với các dự án ký hợp đồng sẽ tìm mọi cách đưa vào giải tỏa hết công suất. Trường hợp với địa phương quá tải lưới điện mà nhiều dự án vẫn xin bổ sung quy hoạch, tập đoàn này sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền không bổ sung quy hoạch.
Tuyết Nhung