Nhập khẩu sắt thép phế liệu năm 2019 đã giảm hơn 300 triệu USD so với 2018.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép trong năm 2019 đã giảm mạnh so với năm 2018, trị giá 1,623 tỷ USD, giảm gần 17% so với mức 1,936 tỷ USD của năm 2018.
Sản lượng nhập khẩu cũng giảm từ mức 5,64 triệu tấn của năm 2018 xuống còn 5,46 triệu tấn trong năm 2019.
Cùng với linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ, xe máy và linh kiện, phụ tùng, bánh kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả…, phế liệu sắt thép thuộc nhóm các mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu.
Trong năm qua, nhiều quy định đã được ban hành để chặn bớt việc nhập khẩu rác phế liệu, nhập khẩu phế liệu sắt thép đã bước đầu giảm được tốc độ cả về sản lượng lẫn giá trị.
Trong khi chỉ 1 năm trước, mức độ tăng nhập khẩu phế liệu sắt thép vẫn rất lớn. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, năm 2018, mức nhập khẩu 5,64 triệu tấn phế liệu sắt thép với trị giá gần 1,94 tỷ USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 38,5% về giá trị so với năm 2017.
Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông, Australia, Singapore... là thị trường hàng đầu cung cấp phế liệu sắt thép cho Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu sắt thép phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Tuy nhiên, trước tình trạng nhập khẩu một cách ồ ạt, diễn biến phức tạp trong thời gian qua, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới, Chính phủ, các Bộ, ngành đã liên tục đưa ra những giải pháp siết chặt nhập khẩu phế liệu về Việt Nam.
Thời gian qua, tình trạng nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.
Thế Hải