Tại hội nghị "Thủ tướng đối thoại với nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP. Cần Thơ chủ trì tổ chức sáng ngày 10/12, các lãnh đạo bộ, ngành đã giải đáp những băn khoăn của người nông dân về chính sách đột phá để ưu tiên, hỗ trợ cho ngành chăn nuôi, người chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là trong bối cảnh rủi ro nhiều dịch bệnh như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn nhấn mạnh, chăn nuôi chiếm vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp, chiếm 10% GDP. Thời gian qua chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, dịch bệnh, mới đây nhất là dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).
Theo đó, Chính phủ giao Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống bệnh DTLCP xây dựng kế hoạch tổng thể và kịch bản phòng, chống bệnh dịch với nhiều tình huống khác nhau; các cấp địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể và từng giai đoạn.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 về cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chăn nuôi (cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP.
Cụ thể, hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn thịt (khoảng 70% giá thành sản xuất); hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn giống; 500.000 đồng/con lợn giống cụ kỵ, ông bà. Hiện tại, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2010-2020 và nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021-2030.
Về chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân thiệt hại do DTLCP, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, DTLCP gây thiệt hại lớn, làm mất cân đối cung cầu. Từ đó, các địa phương đã triển khai hỗ trợ người dân từ ngân sách. Thời gian qua, chính sách của Chính phủ đã có nhiều khoản tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ người dân không có khả năng trả nợ, nếu sự việc xảy ra với quy mô lớn thì có thể tính đến việc xoá nợ.
Về phía NHNN đã chỉ đạo tất cả các chi nhánh khoanh nợ, kéo dài các khoản nợ tạo điều kiện cho người dân, trong đó có người dân bị ảnh hưởng bởi DTLCP có điều kiện tái đàn, khôi phục sản xuất.
Phúc Nguyên