Trước khi Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu về Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA ngày hôm nay (12/2), trang thông tin của EP europarl.europa.eu đăng bài phỏng vấn ông Geert Bourgeois, thành viên EP phụ trách xúc tiến việc thông qua các thỏa thuận thương mại tại Nghị viện.
Phù hợp với tham vọng
Trong đó, ông Bourgeois nhấn mạnh, mục đích của EVFTA là để loại bỏ 99% thuế quan trong vòng 7 năm, mang lại 15 tỷ Euro mỗi năm trong xuất khẩu bổ sung từ Việt Nam sang EU vào năm 2035, trong khi xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng thêm 8,3 tỷ Euro/năm.
Tất nhiên, cứ 1 tỷ Euro xuất khẩu của EU đồng nghĩa tạo thêm khoảng 14.000 việc làm mới được trả lương cao tại EU. Ông nói: “Thỏa thuận này cũng hoàn toàn phù hợp với tham vọng của chúng tôi về EU với tư cách là một người chơi toàn cầu.”
Với câu hỏi, đánh giá về quan hệ kinh tế của EU với Việt Nam hiện tại như thế nào? Ông Bourgeois phân tích, hai bên đang có quan hệ tốt trong thương mại và đầu tư, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Việt Nam là một thị trường sôi động với dân số trẻ. Với mức tăng trưởng kinh tế 6-7%/năm, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu.
Năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 42,5 tỷ Euro sang EU, trong khi EU xuất khẩu khoảng 13,8 tỷ Euro hàng hóa. Với hiệp định thương mại tự do dựa trên quy tắc này, xuất khẩu hai chiếu chắc chắn sẽ tăng.
Đề cập tầm quan trọng của EVFTA đối với EU về mặt địa chính trị, ông Bourgeois cho rằng, Trung Quốc là láng giềng của Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng có quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Điểm rất quan trọng là EU đang tăng cường quan hệ với Việt Nam. EU và Việt Nam đã trải qua quá trình đàm phán 8 năm và điều cũng không kém phần quan trọng là EU phải ra quyết định đi đến một thỏa thuận ngay bây giờ.
Ông Geert Bourgeois nói thêm: “Ngoài ra, là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nghị viện châu Âu mới, EU phải cho thấy chúng ta muốn thiết lập các tiêu chuẩn trên toàn thế giới, đồng thời tạo ra sự thịnh vượng và việc làm mới.”
Trong dịp này, Nghị viện cũng bỏ phiếu về một Hiệp định bảo hộ đầu tư với Việt Nam. Nói về Hiệp định này, chuyên gia của EP khẳng định, thỏa thuận nhằm bảo vệ các nhà đầu tư, trong trường hợp xảy ra kiện tụng, sẽ có một khuôn khổ pháp lý. Việt Nam đã chấp nhận một hệ thống pháp lý về đầu tư hiện đại, tương tự như EU đã thỏa thuận với Canada, với các thẩm phán độc lập, một bộ quy tắc ứng xử và dễ dàng tiếp cận đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này tạo ra sự ổn định và niềm tin cho các doanh nghiệp nhỏ của EU.
Đòn bẩy các tiêu chuẩn bên ngoài EU
Theo đánh giá của giới chuyên gia, các thỏa thuận trong EVFTA đã được thiết lập để mang lại lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động châu Âu và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tôn trọng quyền lao động, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris.
Còn theo ông Geert Bourgeois, ông nhận thức rõ về những lo ngại, song châu Âu hy vọng các hiệp định thương mại như thế này là một đòn bẩy để cải thiện các tiêu chuẩn bên ngoài EU. Về điều kiện lao động, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện tất cả các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tích hợp chúng vào Bộ Luật lao động của mình. Hơn nữa, cho đến nay, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn hướng tới việc phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO cũng như việc sửa đổi Bộ Luật Lao động.
Về môi trường, Việt Nam ràng buộc với hiệp định Paris. EU hiện đang làm việc theo hướng trung hòa carbon và chúng ta phải tạo ra một sân chơi bình đẳng với các quốc gia khác. Vị chuyên gia của EP cũng cho rằng, nếu EU đang làm hết sức mình, EU cũng mong đợi điều tương tự từ những người khác, vì vậy khía cạnh khí hậu trong thỏa thuận thương mại này cũng được đánh giá là một trong những yếu tố tích cực.
Giải đáp câu hỏi “Nếu Nghị viện châu Âu phê chuẩn các thỏa thuận vào ngày 12/2, các thủ tục tiếp theo là gì?”, ông Geert Bourgeois giải thích: “Đối với EVFTA, không cần có sự chấp thuận của các nghị viện quốc gia EU. Ủy ban sẽ có nhiệm vụ triển khai thỏa thuận ngay lập tức.
Tuy nhiên, với EVIPA, do thẩm quyền của các quốc gia thành viên, nên sẽ cần sự chấp thuận của tất cả các nghị viện của EU và điều này sẽ mất một thời gian.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban Châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.
Chu Văn (theo Europarl, TTXVN)