Chỉ cách đây vài tháng, nhà hàng nhỏ của Li Bing sát Khu phức hợp Samsung ở thành phố Huệ Châu vẫn tấp nập các nhóm người ra vào. Nhưng từ 2 tháng qua, sau khu phức hợp này đóng cửa, nhà hàng của Li trở nên ế ẩm.
Sự ra đi của Samsung ở Huệ Châu đánh dấu ngày tàn của nhà máy điện thoại thông minh cuối cùng của công ty Hàn Quốc ở Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 10, Samsung thông báo dừng mọi công đoạn sản xuất smartphone tại Trung Quốc do không thể tiếp tục cạnh tranh trong bối cảnh chiến tranh thương mại không có dấu hiệu chấm dứt.
Với người dân Huệ Châu, đây không khác nào một cú sốc bởi sự tồn tại của Samsung giúp nuôi sống nhiều doanh nghiệp địa phương khác trong gần 3 thập kỷ từ khi nó chính thức đi vào hoạt động năm 1992.
"Trước khi nhà máy của Samsung chuyển đi, doanh thu của chúng tôi đạt 60.000 NDT (gần 200 triệu đồng)/ tháng hoặc cao hơn, hầu hết khách hàng là nhân viên hoặc nhà cung cấp của Samsung. Nhưng giờ chúng tôi chỉ kiếm được vài trăm NDT mỗi ngày, chỉ vài ba bàn mỗi đêm", Li buồn rầu chia sẻ.
Nhiều nhân viên tiết lộ họ phải rời đi dù không mong muốn với gói bồi thường là một mẫu điện thoại thông minh và đồng hồ mới nhất.
Chưa có nhà sản xuất mới nào có ý định lấp vị trí Samsung đột ngột bỏ lại. Ít nhất 60% các doanh nghiệp gần đó phải đóng cửa và tỷ lệ này dự kiến sẽ còn gia tăng.
"Samsung là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới. Nhà máy ở Huệ Châu của họ xây dựng toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng ở Quảng Đông và các tỉnh lân cận trong 20 năm qua. Ít nhất 100 nhà máy ở Quảng Đông sẽ đóng cửa. Họ không thể hoạt động nếu nhà máy Huệ Châu của Samsung không hoạt động", Liu Kaiming, người đứng đầu Viện Quan sát đương đại, cơ quân giám sát điều kiện làm việc của hàng trăm nhà máy ở Trung Quốc cho biết.
Cách Huệ Châu 100 km về phía Tây, việc Samsung dứt áo ra đi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trấn Trường An, thành phố Đông Quản, nơi hàng nghìn lao động nhập cư và giám đốc điều hành của nhà máy từng thuộc Janus Intelligent Group (JIG), công ty robot hàng đầu Trung Quốc bị cắt giảm giờ làm.
Một số được yêu cầu nghỉ phép trong 3 tháng, một số chỉ làm 1,2 ngày rồi nghỉ cả tuần. Samsung là khách hàng lớn nhất của công ty kể từ cuối những năm 2000.
Vài năm trước, với các đơn đặt hàng dồn dập từ Samsung, Janus phải thuê tới 10.000 nhân công để đảm bảo tiến độ. Ở thời kỳ cao điểm, công ty này thuê tới 40 tòa nhà 6,7 tầng gần đó làm ký túc xá cho nhân viên. Giờ chỉ còn 20 tòa nhà.
Nhà máy Samsung ở Huệ Châu bắt đầu đi vào hoạt động chỉ 4 ngày sau khi gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc ký hợp đồng liên doanh với chính quyền địa phương.
Một năm sau, công ty có số vốn đăng ký 32 triệu USD Mỹ chính thức đi vào sản xuất và cho ra đời các sản phẩm như thiết bị âm thanh nổi vào những năm 1990, máy nghe nhạc MP3 đầu những năm 2000 và điện thoại thông minh từ năm 2007.
Tại Huệ Châu, có khoảng 100 tòa nhà dân cư địa phương 6-7 tầng rộng khoảng 1.000 mét vuông, hầu hết cho các công nhân của Samsung thuê.
Giờ đây, khi Samsung rời đi, các tụ điểm vui chơi, nhà hàng, quán bar vắng bóng người qua lại dù chúng từng rất rộn ràng mỗi khi màn đêm buông xuống. Huệ Châu giờ không khác gì một thị trấn ma vào ban đêm.
Vào thời kỳ hoàng kim cách đây 8 năm, doanh số bán điện thoại thông minh của Samsung xếp thứ nhất trên thế giới. 2 nhà máy của công ty này ở Huệ Châu và Thiên Tân sản xuất và xuất khẩu lần lượt 70,14 triệu và 55,64 triệu chiếc điện thoại di động.
Năm 2017, cơ sở Huệ Châu sản xuất 62,57 triệu chiếc điện thoại di động, chiếm 31% tổng sản lượng xuất nhập khẩu của Huệ Châu, tương đương hơn 105,2 tỷ nhân dân tệ (15 tỷ USD). Con số này giúp Huệ Châu trở thành 1 trong 10 nhà xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc.
Theo dữ liệu hải quan Huệ Châu, vào tháng 10, tháng đầu tiên sau khi nhà máy Samsung đóng cửa vào ngày 3/10, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong thành phố giảm xuống còn 14 tỷ NDT (2 tỷ USD), giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà hàng của Li và những người khác gần đó đang bị đe dọa cho tới khi chính quyền tìm ra giải pháp hoặc họ sẽ buộc phải đóng cửa.
Li nói cô hy vọng sẽ sớm có nhà máy với khoảng 2000-3000 nhân viên tới thay thế Samsung, bù lấp khoảng trống họ để lại.
"Chỉ có công nhân, chúng tôi mới có thể kinh doanh để hỗ trợ sinh kế của người dân địa phương", Li cho hay.
Song Hy (Nguồn: SCMP)