Thay vì bán hạt cà phê robusta thô cho công ty nước ngoài để chế biến thành cà phê hòa tan, Intimex, công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam đang chuẩn bị ra mắt sản phẩm hòa tan của riêng mình vào đầu năm 2020. Mục đích của sự thay đổi này là để thu được nhiều lợi nhuận hơn từ nhu cầu đang tăng của thị trường châu Á với loại đồ uống có thể được pha chế nhanh như cà phê hòa tan.
Chủ tịch tập đoàn Intimex, đơn vị xuất khẩu 1/3 lượng hạt cà phê robusta của Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam cho biết: "Chúng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội tham gia vào mảng cà phê hòa tan. Nó mang lại nhiều lợi nhuận và ít rủi ro hơn. Đồng thời, điều đó có nghĩa là chúng tôi không phải phụ thuộc vào giá cả theo thị trường London".
Năm nay, hợp đồng robusta được giao dịch tại London đã giảm 11% trong bối cảnh sản lượng của Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, có xu hướng tăng. Ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam đang coi việc mở rộng sang sản xuất cà phê hòa tan trong nước là cơ hội tốt, hơn là chỉ tiếp tục trồng nhiều cây hơn.
Theo Euromonitor International, Ấn Độ sẽ dẫn đầu tăng trưởng trong thị trường bán lẻ cà phê hòa tan ở châu Á, tăng gần 12% mỗi năm lên mức 850 triệu USD vào năm 2024. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thị trường cũng dự đoán mức tăng mạnh ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Thị trường bùng nổ
"Châu Á là khu vực tiêu thụ cà phê phát triển nhanh nhất thế giới, nơi nhiều người tiêu dùng vẫn đang bắt đầu hình thành thói quen uống cà phê. Và cà phê hòa tan là cách lý tưởng hơn cả để giúp họ làm điều đó vì dễ pha chế. Việt Nam có thể tận dụng vị trí địa lý và chi phí sản xuất thấp để mở rộng trong khu vực", Jose Sette, người đứng đầu Tổ chức Cà phê Quốc tế tại London cho biết.
Intimex vốn là một công ty nhà nước trước khi được bán cho các nhà đầu tư tư nhân năm 2006. Mục tiêu của đơn vị này là vượt qua Nestle để trở thành nhà cung cấp cà phê hòa tan nguyên chất lớn nhất Việt Nam trong 5 năm tới bằng cách tăng 5 lần công suất hàng năm lên 20.000 tấn.
Cạnh tranh khốc liệt
Ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Nestle Việt Nam cho biết họ sẽ cạnh tranh với cả các công ty trong nước và quốc tế bằng cách tận dụng quy mô, chuyên môn về công nghệ và sản xuất với hơn 75 năm kinh nghiệm về cà phê và bằng cách phát triển cùng nông dân trồng cà phê ở Việt Nam. Hiện đang có rất nhiều công ty vừa và nhỏ tập trung vào việc cạnh tranh mạnh mẽ với những người chơi lớn trên thị trường".
Mảng kinh doanh trị giá 6 tỷ USD
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, người đứng đầu bộ phận Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp, Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu cà phê hàng năm lên 6 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Kế hoạch bao gồm việc tăng sản lượng hạt cà phê được chế biến lên 30% đến 40% trong tổng sản lượng của Việt Nam so với mức 10% ở hiện tại. Nhờ đó, tỷ trọng xuất khẩu cà phê chưa rang xay sẽ giảm xuống.
Phân tích của Bloomberg về dữ liệu hải quan cho biết tính đến ngày 30/9/2019, nước ta đã xuất khẩu 1,56 triệu tấn cà phê, bao gồm hơn 36.000 tân cà phê chế biến trong mùa vụ 2018 - 2019.
Ông Lê Tiến Hùng, CEO của Simexco Đăk Lawk – nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai Việt Nam cho biết các cơ sở rang xay và chế biến cà phê hòa tan dự kiến sẽ sử dụng hơn 500.000 tấn cà phê tươi hàng năm trong 3 năm tới, nhiều hơn 40% so với nhu cầu hiện tại.
Theo dữ liệu của Bloomberg News, Việt Nam có khả năng sản xuất 58.500 tấn cà phê hòa tan mỗi năm bởi 9 nhà máy. Trong đó, các nhà máy được đầu tư bởi Nestle, Olam International Ltd., Tata Group và CCL Products India Ltd. chiếm khoảng 70% tổng sản lượng. Với các kế hoạch mở rộng và khoản đầu tư mới từ các công ty trong nước và quốc tế, dự kiến sản lượng cà phê hòa tan của Việt Nam sẽ tăng ít nhất 40.000 tấn trong vòng 5 năm tới.
Theo Bloomberg