Theo South China Morning Post, từ đầu tháng 2, Kent Cai Mingdong - người gốc Ninh Ba, chủ sở hữu Công ty Phát triển Văn hóa Chiết Giang - đến Indonesia và thu mua khẩu trang y tế tại các nhà thuốc địa phương.
Ông Cai chuyển số khẩu trang này về tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), tâm chấn của dịch virus corona. Những ngày qua, ông Cai đến hơn 15 thành phố ở Indonesia và thu mua hơn 200.000 chiếc khẩu trang.
Doanh nhân này cũng tìm cách liên hệ người Trung Quốc đang đi du lịch nước ngoài, nhờ họ mua càng nhiều khẩu trang y tế càng tốt. "Tôi nghĩ Indonesia với dân số đông và số lượng nhà máy lớn - sẽ có kho dự trữ khẩu trang y tế lớn", ông nói với South China Morning Post.
"Tại Trung Quốc mọi người giành giật nhau từng chiếc khẩu trang. Tôi rời khỏi Trung Quốc từ ngày 1/2 và đi hết nhà thuốc này tới nhà thuốc khác. Làm việc đó rất mệt mỏi, nhưng nếu tôi vẫn ở Ninh Ba thì sẽ phí thời gian. Ít nhất ở đây tôi đã đóng góp được gì đó", ông nói.
Các quầy khẩu trang ở Bangkok và Boston trống trơn
Những tuần qua, nhu cầu khẩu trang y tế tăng vọt tại Trung Quốc, nhà sản xuất 50% khẩu trang thế giới. Ước tính nước này sản xuất 5 tỷ khẩu trang hồi năm 2019. Nhưng nguồn cung ở Trung Quốc cạn kiệt khi nhiều thành phố buộc người dân phải đeo khẩu trang khi có mặt ở nơi công cộng.
Do đó, Trung Quốc đang tăng tốc thu mua khẩu trang từ nước ngoài, cả qua các nguồn ngoại giao chính thức và qua những doanh nhân như Cai. Kết quả là các quầy khẩu trang ở nhiều nước - từ Bangkok (Thái Lan) đến Boston (Mỹ) - nhanh chóng trở nên trống trơn.
Tuy nhiên, các bác sĩ và y tá Trung Quốc - bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu tại tâm chấn Vũ Hán - vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang, đặc biệt là loại N95 có khả năng bảo vệ tốt hơn.
Mới đây, giám đốc Sở Y tế thành phố Đại Lý (tỉnh Vân Nam) bị cách chức vì chiếm dụng trái phép khẩu trang y tế dành cho thành phố Trùng Khánh và Hoàng Cương thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Chính quyền Trung Quốc chuyển trách nhiệm quản lý nguồn cung khẩu trang y tế cho Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin sau khi công chúng lên tiếng than phiền về tình trạng thiếu hụt.
Chưa rõ tình trạng thiếu hụt trầm trọng đến mức nào, tuy nhiên giới chuyên gia nhận định nhu cầu khẩu trang sẽ tiếp tục leo thang, vượt xa sản lượng Trung Quốc có thể sản xuất trong những tuần tới.
Hiện, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo cung cấp khẩu trang cho nhân viên trước khi nối lại hoạt động.
Một quan chức NDRC cho biết các nhà máy sản khẩu trang tại Trung Quốc đang hoạt động với công suất 76%. Như vậy, sản lượng hàng ngày đạt 15,2 triệu khẩu trang.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu thị trường, nhu cầu khẩu trang ở Trung Quốc lên đến 50-60 triệu chiếc/ngày. Trung Quốc cũng chỉ có thể sản xuất 200.000 chiếc khẩu trang N95 mỗi ngày vì sản phẩm này đòi hỏi công nghệ và vật liệu phức tạp hơn để sản xuất.
Tăng cường nhập khẩu
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt khẩu trang, chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách phân phối hạn chế để đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho lực lượng nhân viên y tế. Và tình trạng thiếu hụt từ Trung Quốc đã lây lan sang các nước khác.
"Tôi từng dự đoán nếu Trung Quốc đối mặt với một đại dịch, tình trạng thiếu hụt khẩu trang sẽ trở nên nghiêm trọng ở các nước, bởi Trung Quốc chiếm 50% nguồn cung toàn cầu", SCMP dẫn lời doanh nhân Bow Bowen, CEO nhà sản xuất khẩu trang Mỹ Ameritech, cho biết.
"Giá sản xuất của Trung Quốc rất thấp đến mức cả thế giới mua khẩu trang từ họ. Nhưng không ai nghĩ đến việc có thể mua khẩu trang ở đâu khi dịch bùng lên tại Trung Quốc", ông phân tích.
Công tyAmeritech xuất 1 triệu chiếc khẩu trang sang Trung Quốc trong 2 tuần qua. Đây là điều chưa từng có với doanh nghiệp của ông Bowen. Ông cho biết đang thảo luận với chính quyền Hong Kong về việc cung cấp khẩu trang cho thành phố này.
Trung Quốc đang tăng tốc nhập khẩu trang từ khắp nơi trên thế giới. Tuần trước, chính phủ Indonesia cho biết Trung Quốc đã đặt mua một số lượng lớn khẩu trang từ nước này.
Một số quốc gia xuất khẩu khẩu trang tại châu Á như Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã than phiền về việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu nguyên liệu và thiết bị để sản xuất khẩu trang, làm gián đoạn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Theo Trung tâm Phát triển Công nghiệp, tại Trung Quốc có ít nhất 50 nhà cung cấp nguyên liệu và thiết bị sản xuất khẩu trang và hơn 140 nhà sản xuất thiết bị bảo hộ y tế.
Nhu cầu phẫu thuật và các yêu cầu về sức khỏe của chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều công ty tự sản xuất khẩu trang. Foxconn - gã khổng lồ điện tử Đài Loan - bắt đầu sản xuất khẩu trang cho nhân viên và đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 2 triệu chiếc mỗi ngày vào cuối tháng 2.
Công ty thời trang Hongdou Group và nhà sản xuất ôtô SAIC-GM-Wuling cũng đã bắt đầu sản xuất khẩu trang nội bộ.
Thanh Hoa