Các địa phương được đề nghị xem xét tạm dừng việc đề xuất, thoả thuận các dự án điện mặt trời tới khi có hướng dẫn mới. Nhiều nhà đầu tư đang rất “sốt ruột”.
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị xem xét tạm dừng việc đề xuất, thoả thuận các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FiT cho tới khi có hướng dẫn mới của cấp có thẩm quyền.
Theo Bộ Công thương, tại Thông báo 402/TB-VPCP có kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc thống nhất áp dụng biểu giá khuyến khích cố định (FiT) chỉ áp dụng với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020.
Các dự án mới sẽ thực hiện theo hình thức đấu thầu.
Bộ này cho biết: Sau khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời, đã có 135 dự án với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành hoàn thiện Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Mức giá mua điện tại Quyết định này là khoảng 2.100 đồng/số trong vòng 20 năm đối với dự án vận hành trước tháng 7/2019.
Hiện nhiều nhà đầu tư rất “sốt ruột” vì chưa có giá điện mặt trời sau ngày 30/6/2019.
Ngay sau chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các đơn vị yêu cầu tạm thời dừng ký kết các thỏa thuận kỹ thuật với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời như thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận thiết kế kỹ thuật hạng mục scada và viễn thông, thỏa thuận thiết kế kỹ thuật hệ thống rơ le bảo vệ và tự động, thỏa thuận thiết kế kỹ thuật hệ thống đo đếm điện năng và hệ thống thu thập số liệu đo đếm.
Thời gian tạm dừng cho đến khi có ý kiến chỉ đạo khác của EVN hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tới hết tháng 6/2019 đã có gần 4.500 MW điện mặt trời được đưa vào vận hành thương mại, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân.