Cơ quan soạn thảo dự thảo cho biết, so với những nội dung tại Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg, dự thảo bổ sung một số nội dung mới, trong đó trước hết là làm rõ đối tượng áp dụng bao gồm cả các ĐVSNCL thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM. Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM chưa thuộc danh sách các cơ quan trực thuộc Chính phủ. Do vậy, việc bổ sung đối tượng áp dụng đối với 2 đơn vị này sẽ giúp các đơn vị có căn cứ triển khai thực hiện rà soát và chuyển đổi các ĐVSNCL trực thuộc thành CTCP.
Về danh mục ngành, lĩnh vực hoạt động của ĐVSNCL, trên cơ sở kiến nghị của một số bộ, địa phương về tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp (DN) sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động của ĐVSNCL thành CTCP tại một số ngành, lĩnh vực; tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, dự thảo bổ sung quy định về tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ và ngành, lĩnh vực xem xét chuyển ĐVSNCL thành CTCP bao gồm 3 mục.
Theo đó, quy định những ngành, lĩnh vực hoạt động của ĐVNSCL mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại CTCP sau chuyển đổi từ các ĐVSNCL gồm: khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch nông thôn; quản lý các cảng cá; quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi. Những ngành, lĩnh vực thuộc nhóm này bao gồm các ĐVSNCL quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, do đó Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối nhằm đảm bảo DN tiếp tục thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công một cách ổn định (đảm bảo không nâng giá dịch vụ công và không giảm chất lượng dịch vụ).
Tiếp theo, những ngành, lĩnh vực hoạt động của ĐVSNCL mà Nhà nước nắm giữ 36% vốn điều lệ tại CTCP sau chuyển đổi, gồm: Thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, chiếu sáng công cộng; quản lý bất động sản; quản lý chợ, trung tâm thương mại; kinh doanh nhà khách, nhà nghỉ và dịch vụ lưu trú ngắn ngày và phục vụ hội họp; phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Những ĐVSNCL thuộc nhóm ngành, lĩnh vực này bao gồm các ĐVSNCL cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tương đối quan trọng đối với hạ tầng cơ sở hoặc đối với đời sống người dân. Nhà nước cần nắm giữ cổ phần để đảm bảo DN tiếp tục cung cấp dịch vụ công.
Cuối cùng, những ngành, lĩnh vực hoạt động của ĐVSNCL mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn điều lệ tại CTCP sau khi chuyển đổi được quy định là:
Dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực (lập quy hoạch đô thị, kế toán, kiểm toán, thuế, thẩm định giá tài sản, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận xã hội, tư vấn về quản lý và kinh doanh...).
Dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường không sử dụng ngân sách; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường; kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; dịch vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin, quảng bá du lịch, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật.
Thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đào tạo và sát hạch lái xe (không hoạt động theo mô hình trường học); kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới và phương tiện thủy; kiểm định xây dựng; kinh doanh mặt bằng hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư; quản lý bến tàu, bến xe.
Theo cơ quan soạn thảo, đây là các ĐVSNCL thuộc nhóm lĩnh vực, ngành mà khối tư nhân đã triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; việc chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP để tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, do vậy Nhà nước không cần nắm giữ vốn tại DN.
P.V