Việt Nam không thao túng tiền tệ

Việt Nam không thao túng tiền tệ
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, điều hành tỉ giá linh hoạt

Tại Báo cáo tháng 1-2020 về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra danh sách các quốc gia cần giám sát gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia, Thụy Sĩ và Việt Nam.

Không tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng

Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường thương mại năm 2015 của Mỹ, cơ quan quản lý nước này cần phân tích nâng cao về chính sách tỉ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn, thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành tỉ giá phù hợp các cân đối vĩ mô. Ảnh: TẤN THẠNH

Các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể tại Báo cáo tháng 1-2020 như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát dù chỉ đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ 47 tỉ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương 1,7% GDP; can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP. Dù vậy, Bộ Tài chính Mỹ vẫn đưa ra danh sách giám sát có Việt Nam và đồng thời kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ.

Với việc Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về những vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác. NHNN cũng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Sẵn sàng làm rõ

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2020 mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh một trong những ưu tiên của Việt Nam năm 2020 là tiếp tục làm việc với các đối tác thương mại lớn để chứng minh Việt Nam không thao túng tiền tệ.

"NHNN không bao giờ dùng tỉ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Việt Nam không thao túng tiền tệ" - Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc Mỹ đưa Việt Nam vào diện giám sát tài chính là không hợp lý khi đối chiếu với chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của Việt Nam. Bởi trong 3 yếu tố để Mỹ xem xét đưa vào diện giám sát đối với các quốc gia là thặng dư thương mại song phương, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ thì Việt Nam không hề có can thiệp ngoại tệ nên không thể nằm trong nhóm quốc gia thao túng tiền tệ.

Nguyên nhân chính khiến Mỹ đưa Việt Nam vào tầm ngắm là bởi Việt Nam tăng xuất siêu sang thị trường này. Theo ông Hiếu, một quốc gia tăng xuất siêu sang Mỹ sẽ được Mỹ mặc định là "lợi dụng Mỹ". Các quốc gia trong danh sách tầm ngắm đều có thặng dư cán cân thương mại với Mỹ ở mức cao. Các số liệu về kinh tế cho thấy Việt Nam không hề "lợi dụng Mỹ". Như trong năm 2019 và những năm trước nữa, Việt Nam không hề tăng tỉ giá để tạo sự cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Mỹ. Dù Việt Nam xuất siêu vào Mỹ nhưng giá trị xuất siêu của Việt Nam với Mỹ quá nhỏ nếu so sánh với quy mô xuất siêu của các nước khác. Nguy cơ có rủi ro đe dọa thương mại từ Mỹ với Việt Nam là không lớn.

Ông Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội, nhìn nhận việc Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước giám sát thao túng tiền tệ khi quan điểm của Tổng thống Mỹ là xem xét 2 chỉ tiêu để kết luận nước đó có thao túng tiền tệ hay không gồm: Các chỉ số liên quan đến xuất - nhập khẩu; liên quan đến ngoại hối, tỉ giá hối đoái. Điều đáng chú ý là trong cán cân thương mại, Việt Nam xuất siêu tương đối lớn sang thị trường này. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN có những buổi làm việc trên tinh thần sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin để làm rõ vấn đề một cách thỏa đáng, trên cơ sở đó đề nghị Mỹ rút Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.

Lúc này, giải pháp để tránh bị Mỹ đưa vào danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, ông Thụ cho rằng Việt Nam cần công khai, minh bạch, chủ động làm việc với phía Mỹ để làm rõ vấn đề. Trong quan điểm điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, Việt Nam chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, lấy ổn định tiền tệ là một trong những yếu tố quan trọng… Điều này không chỉ là để tránh bị Mỹ đưa vào danh sách giám sát về thao túng tiền tệ mà đó là có ý nghĩa ngay cả đối với nền kinh tế Việt Nam. 

THÁI PHƯƠNG - DƯƠNG NGỌC - HOÀI DƯƠNG
 

Tags: Chính Sách Tiền Tệ Ngân Hàng Nhà Nước Kiểm Soát Lạm Phát Chính Sách Kinh Tế Vĩ Mô Tài Chính Kinh Tế Đối Ngoại Thao Túng Tiền Tệ