Năm 2019, các doanh nghiệp trong nước đã có mức tăng trưởng về xuất khẩu, thậm chí cao hơn cả các doanh nghiệp FDI.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng qua, xuất khẩu của nước ta đã đạt tới 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7%-8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 472 tỷ USD trong 11 tháng năm 2019. Với đà này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD trong cả năm 2019.
Đồng thời, với việc cán cân thương mại hàng hóa trong 11 tháng năm 2019 duy trì thặng dự lên tới 9,11 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái rất nhiều (năm 2018 xuất siêu mới đạt 7,58 tỷ USD), dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.
Đáng chú ý, nếu như nhiều năm trước, xuất khẩu hầu như chỉ dựa vào khối doanh nghiệp FDI, thì thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong nước đã có mức tăng trưởng về xuất khẩu, thậm chí cao hơn cả các doanh nghiệp FDI.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, xu hướng tích cực này bắt đầu từ năm 2018 và năm nay được thể hiện rõ nét hơn, đây là điểm đáng phấn khởi. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp trong nước 11 tháng qua tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI. Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Đáng mừng là tất cả nhóm thị trường mà ta có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy các DN đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết. Riêng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đã đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (ví dụ như xuất khẩu sang Canada 11 tháng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%). Do vậy, trong thời gian tới, đóng góp của doanh nghiệp trong nước trong cơ cấu xuất khẩu chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Đồng thời, tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng, củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA. Đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các FTA giữa Việt Nam và các nước. Kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hàng hóa trước khi nhập khẩu, tạm nhập vào Việt Nam.
Đặc biệt, cần tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội xuất khẩu. Chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu...
Minh Khôi