Theo các chuyên gia trong ngành, hạ tầng giao thông trong năm 2019 chưa thực sự nổi bật, còn nhiều công trình dở dang. Tuy vậy, ở một số khu vực câu chuyện hạ tầng trong năm qua lại trở thành đòn bẩy tác động rõ nét đến giá cũng như giao dịch của thị trường BĐS khu vực đó.
Thông xe nút giao Đại học Quốc gia trên Xa lộ Hà Nội
Ngày 8/11/2019, nút giao thông cửa ngõ phía Đông Tp.HCM (Nút giao Đại học Quốc gia trên Xa lộ Hà Nội) thông xe sau ba năm thi công. Công trình dài gần 2km, tổng vốn đầu tư 270 tỷ Đồng.
Đây là một trong những hạng mục của dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1, đoạn từ ngã 3 Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.
Đoạn quốc lộ 1 này được mở rộng lên 14 làn xe ở hai chiều qua trục đường chính và đường song hành hai bên. Trục chính có 8 làn xe, rộng 36 m, dành cho ôtô lưu thông với vận tốc 80 km/h. Hai cầu vượt qua hầm hở dành cho xe quay đầu cũng được xây dựng trên nút giao ĐHQG TP.HCM.
Dự án hầm chui 3 tầng khu nam Sài Gòn
UBND Tp.HCM đồng ý cấp vốn hơn 830 tỉ đồng để xây dựng dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Trong đó, 538,3 tỉ đồng chi phí xây dựng, 155,6 tỉ đồng chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, 21 tỉ đồng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, còn lại 84 tỉ là chi phí dự phòng.
Theo thiết kế dự án, sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60m) và 2 hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh dài khoảng 480m.
Dự án dự kiến khởi công cuối năm 2019 và hoàn thành vào quý 2/2022.
Xây dựng Cầu Cát Lái
Đây được xem là điểm nhấn hạ tầng giao thông trong năm 2019, tác động rõ nét đến thị trường BĐS khu vực Nhơn Trạch suốt thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái. Dự kiến, cầu Cát Lái sẽ khởi công trong năm 2020 có phần cầu chính dài 650m, rộng 37.7m gồm 6 làn cơ giới và 3 làn xe thô sơ với tổng mức đầu tư gần 7,200 tỷ Đồng.
Sở GTVT Đồng Nai và Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam đã nghiên cứu 2 phương án và đề xuất vị trí xây cầu Cát Lái.
Cụ thể, phương án vị trí 1 (theo hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5/2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2 (TP.HCM) sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi Cảng Cát Lái.
Phương án 2, vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng Trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi Cảng Cát Lái.
Mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý
Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM: Dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa dài 644.5m, mở rộng lên thành 30 m với sáu làn xe, tổng mức đầu tư 742.1 tỷ Đồng. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ đường Cộng Hòa đến Âu Cơ dài 904m, mở rộng thành 60m cho 10 - 12 làn xe. Tổng mức đầu tư là 2,147 tỉ đồng
Từ năm 2005, việc mở rộng hai tuyến đường này cũng đã được lập dự án với tổng mức đầu tư chỉ khoảng 600 tỉ đồng, tuy nhiên do nguồn vốn hạn hẹp nên dự án vẫn “án binh bất động”.
Thị trường bất động sản 2020 sẽ như thế nào, nên đầu tư vào đâu?