4 thách thức chính với kinh tế Việt Nam năm 2020

4 thách thức chính với kinh tế Việt Nam năm 2020
Thị trường tài chính Việt Nam lớn gấp ba lần quy mô nền kinh tế. Do đó, nếu có bất kỳ trục trặc nào ở thị trường tài chính thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn.

Đó là quan điểm của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đưa ra tại Diễn đàn đầu tư do Ban Kinh tế Trung ương & Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO)... tổ chức vào sáng nay, 6-1, tại TP.HCM.
Cụ thể, TS Cấn Văn Lực cho biết trong bất kể nền kinh tế nào luôn có ba thị trường chính là thị trường lao động, thị trường hàng hóa và thị trường tài chính.

Riêng thị trường tài chính, tại Việt Nam, thị trường này đã chiếm tới 323% GDP năm 2019. Do quy mô đã gấp ba lần quy mô nền kinh tế, nên nếu có bất kỳ trục trặc nào ở thị trường tài chính thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn.

Trong năm qua, huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 250.000 tỉ, tăng 7% so với 2018. Dù vậy, doanh nghiệp cần phải được tạo điều kiện hơn nữa để tạo cân bằng cho thị trường tài chính do hiện nay nguồn vốn vẫn đang dựa quá nhiều vào ngân hàng.

Cũng theo tính toán của TS Lực, trên thị trường cổ phiếu, năm qua huy động 314.000 tỉ, tăng 13% so với năm trước. Tín dụng tăng 13,7%, đây là mức tăng trưởng tương đối tích cực và đang được điều chỉnh giảm dần. Hiện tín dụng vẫn chiếm 135% GDP, mức tương đối cao so với quy mô nền kinh tế cũng như mức độ phát triển kinh tế.

Về chất lượng tín dụng, chất lượng các khoản vay đang tốt lên. Kết thúc năm 2019, nợ xấu nội bảng giảm về 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ ở VAMC nữa là khoảng 4,6%. Theo đó, kế hoạch đưa nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020 là tương đối khả thi.

Đánh giá về cơ hội và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt trong năm 2020, TS Cấn Văn Lực cho rằng năm tới sẽ có bốn thách thức chính. Thứ nhất, thể chế cho kinh tế số, ngân hàng số chậm quá, cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như của mỗi doanh nghiệp còn phân tán.
Thứ hai, rủi ro bên ngoài ngày càng phức tạp, năm tới sẽ ảnh hưởng tới giá dầu, giá vàng, tỉ giá… Thứ ba là vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng, áp lực trả nợ công. Thứ tư là vấn đề an ninh mạng. 
"Năm 2019, số vụ tấn công mạng đã tăng 104%, trong khi đó chỉ có 25% doanh nghiệp nói có khả năng nhận biết rủi ro an ninh mạng. Rủi ro tài chính đang đan xen nhưng chưa có đầu mối chung để phòng ngừa cũng như quản lý, đây là rủi ro hệ thống" - TS Lực nhấn mạnh

Trong khi đó, đứng về góc độ của cơ quan quản lý, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, cho biết khi xây dựng chỉ tiêu định hướng năm 2020, Ngân hàng Nhà nước dựa trên đánh giá tổng thể nhiều yếu tố.

Theo đó, dự kiến tổng phương tiện thanh toán tăng 13%, tăng trưởng tín dụng đạt 14%, các chỉ tiêu này cũng linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Còn từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc khối khách hàng Doanh nghiệp HSBC, cho biết: "Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng lên. Theo Forbes Asia, trong số hơn 200 doanh nghiệp từ châu Á, cũng có rất nhiều đại diện doanh nghiệp của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đã bước ra khỏi biên giới của mình và chứng minh được với thế giới về khả năng cạnh tranh”.

T.Linh

Tags: Forbes Asia Ban Kinh Tế Trung Ương Thị Trường Tài Chính Bidv Thị Trường Cổ Phiếu Hsbc Thách Thức Kinh Tế