Theo báo cáo kết quả kinh doanh, huy động từ khách hàng đạt 71.635 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng giảm 4% so với đầu năm; Dư nợ tín dụng đạt 59.205 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2019, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ của nhóm khách hàng cá nhân ghi nhận mức tăng 16% so với cùng kỳ 2019, đạt 24.852 tỷ đồng; dư nợ nhóm khách hàng SMEs tăng nhẹ so với đầu năm, đạt 12.459 tỷ đồng, tương đương tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu của ABBANK được kiểm soát ở mức 2% tổng dư nợ, đảm bảo đúng quy định an toàn của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Lê Hải - Quyền Tổng Giám đốc ABBANK cho biết: Mặc dù bị tác động bởi tình hình dịch bệnh COVID-19, nhưng ABBANK vẫn có sự tăng trưởng và khả quan trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới gặp nhiều khó khăn. Điều này thể hiện việc đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động, vận hành của Ngân hàng trong những năm qua là đúng đắn và có tính bền vững. Chiến lược kinh doanh trọng yếu của ABBANK trong thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt nhằm ứng phó với áp lực nhưng vẫn duy trì các khẩu vị quản lý rủi ro để đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định và bền vững.
"Với tình hình dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của nhiều ngành nghề và doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, ABBANK đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp như miễn/giảm lãi/phí, hạ lãi suất, cơ cấu lại các khoản nợ… theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN. ABBANK tin tưởng rằng các hoạt động của nền kinh tế sẽ được cải thiện hơn trong quý II, phục hồi ổn định trở lại trong quý III sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng tiếp tục mở rộng và phát triển các hoạt động kinh doanh", ông Hải cho hay.
Ông Hải cũng cho biết thêm, do tình hình dịch bệnh kéo dài, kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông thường niên (ĐHCĐ) của ABBANK tạm thời bị hoãn. Ngân hàng dự kiến sẽ tiến hành ĐHCĐ trong tháng 6/2020 theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và công bố các chiến lược kinh doanh trọng yếu trong giai đoạn mới.
Minh Ngọc