Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss ngày 6/2 cho biết, nước này đang tìm kiếm những cắt giảm thuế sâu rộng trong một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Đây là một trong những mục tiêu đầy tham vọng trong nỗ lực đạt được những thỏa thuận thương mại tự do mới hậu Brexit.
Trong một thông báo bằng văn bản với Quốc hội, bà Truss nêu rõ, thỏa thuận thương mại tự do (FTA) sẽ đảm bảo những cắt giảm thuế toàn diện, sâu rộng và đôi bên cùng có lợi, kể cả đối với những mặt hàng nhạy cảm của Anh, từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ cho các doanh nghiệp Anh, cũng như giảm giá và gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Bà Truss cho biết, Anh sẽ không thỏa hiệp đối với những tiêu chuẩn cao về thực phẩm và phúc lợi động vật, mức giá mà Cơ quan Y tế Quốc gia Anh phải trả cho dược phẩm sẽ không nằm trong nội dung đàm phán thương mại.
Anh dự định sẽ bắt đầu đàm phán các thỏa thuận thương mại với Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand trong vài tháng tới, bên cạnh các cuộc đàm phán về quan hệ thương mại tương lai với Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó cùng ngày, Anh cũng cho biết, dự định sẽ xây dựng một kế hoạch đánh thuế mới có hiệu lực vào đầu năm 2021 và áp dụng với hàng hóa từ các quốc gia trên toàn thế giới không có thỏa thuận thương mại nào khác.
Anh đã khởi động quá trình trưng cầu ý kiến để giúp xây dựng cơ chế thuế Tối huệ quốc (MNF) với tên gọi chính sách Thuế Toàn cầu của Anh. Chính sách này có thể bao gồm việc cắt giảm và dỡ bỏ thuế hoàn toàn đối với hàng hóa ở những lĩnh vực Anh không có hoặc có ít hoạt động sản xuất trong nước. Thuế toàn cầu của Anh sẽ thay thế chính sách Thuế quan Đối ngoại chung của EU hiện đang được áp dụng với hàng hóa nhập khẩu vào nước Anh.
Chính phủ Anh cũng cho hay, sẽ bắt đầu đánh giá 43 biện pháp phòng vệ thương mại của EU được xem là quan trọng đối với các ngành của nước này, trong đó có thuế chống bán phá giá lên đến 36,1% đối với mặt hàng bếp điện bằng kính và bộ đồ ăn từ Trung Quốc.