Washington đã gia tăng áp lực lên nhà sản xuất chip lớn bậc nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) để sản xuất chip sử dụng trong quân đội tại Mỹ. Mục đích của việc này là nhằm đảm bảo rằng TSMC có thể sản xuất ra những thiết bị có tính bảo mật cao mà không chịu bất kỳ tác động nào từ phía Trung Quốc.
TSMC hiện là đơn vị sản xuất chip máy tính sử dụng trong những dòng máy bay chiến đầu F35 của Mỹ và là nhà cung ứng chip chủ chốt của Apple. Như vậy đây là cái tên tiếp theo sau hãng viễn thông Trung Quốc Huawei nhận được yêu cầu tương tự từ phía Mỹ.
Tuy nhiên trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang gây hấn về cả công nghệ và quân sự, TSMC lại rơi vào vị thế khó, chịu áp lực trực tiếp từ phía Mỹ buộc họ phải đưa ra quyết định cứng rắn về việc phải chuyển sản xuất sang Mỹ hoặc chịu trừng phạt trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Mặc dù có nhiều dấu hiệu khả quan cho thấy Washington và Bắc Kinh có thể đi đến thỏa thuận bước đầu về thương mại trong tuần này, chấm dứt 2 năm căng thẳng thương mại. Tuy nhiên ở một góc độ khác, sức ép đè nặng lên TSMC cho thấy chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu vẫn đang gặp nhiều vấn đề với các lo ngại an ninh từ Mỹ.
"Chính phủ Mỹ muốn các dòng chip được sử dụng trong các dự án quân sự phải được sản xuất trên đất Mỹ do những lo ngại về an ninh. Dường như Mỹ sẽ không nhượng bộ với vấn đề này", một quan chức Đài Loan nói.
TSMC là đơn vị nắm trong tay 50% thị phần mảng sản xuất chip toàn thế giới, cung cấp chip máy tính cho Huawei và những gã khổng lồ Mỹ như Google, Qualcomm và Intel. Công ty này cũng cung cấp những dòng chip cao cấp dùng trong quân đội cho Xilinx – công ty cung cấp chip cho máy bay chiến đấu F35 và các vệ tinh. Nhiều sản phẩm của công ty này có mặt trong các dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ.
Trên thực tế, Washington luôn tỏ ra cảnh giác với những công nghệ của Trung Quốc. Một người trong ngành tiết lộ rằng Ian Steff – Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ vào tháng trước đã có chuyến thăm thứ 3 đến Đài Loan trong năm 2019 để gặp nhà sáng lập TSMC Morris Chang và chủ tịch Mark Liu.
"Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều lãnh đạo hãng công nghệ và quan chức chính phủ Mỹ lo ngại về sự phụ thuộc của họ vào TSMC và mức độ an toàn của chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp quân sự.
"Đó là lý do tại sao Mỹ khăng khăng rằng TSMC có thể đứng về phía họ để sản xuất chip ở một nơi nào khác không phải Đài Loan.Họ lo ngại những cơ sở hiện tại có thể gặp nguy cơ với phía Trung Quốc", Giám đốc học viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan Su Tze-yun nhận xét.
Phí Mỹ từ lâu đã lo ngại về rủi ro an ninh và năm ngoái họ thậm chí còn liên lạc với hàng loạt khách hàng của TSMC cảnh báo họ về vấn đề này. Thêm vào đó, việc Huawei là khách hàng của TSMC càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Nguồn tin trong ngành nói rằng chính quyền Mỹ sẽ gia tăng trừng phạt với Huawei ngay trong năm nay.
Trong khi đó, năm ngoái Huawei đã yêu cầu TSMC sản xuất nhiều chip hơn cho họ ở nhà máy trị giá 3 tỷ USD ở Nam Ninh – chiếm 10% doanh thu của TSMC.
"Trước khi đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo, TSMC sẽ phải nhanh chóng phản hồi những yêu cầu khẩn thiết từ phía các khách hàng Mỹ dưới áp lực từ chính phủ Mỹ để đảm bảo rằng những con chip sẽ không gặp vấn đề an ninh hoặc tốt hơn là sản xuất trên đất Mỹ".
TSMC thì nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng họ có thể xây dựng hoặc mua lại một nhà máy ở Mỹ để đáp ứng các yêu cầu. Tuy nhiên, một việc như vậy sẽ cần cân nhắc thận trọng vì liên quan tới vấn đề chi phí hoạt động cao hơn.
"Chúng tôi chưa bao giờ loại bỏ ý tưởng xây dựng hay mua lại một nhà máy ở Mỹ nhưng hiện tại không có một kế hoạch chắc chắn nào", đại diện TSMC nói.
"Thế giới càng hỗn loạn, TSMC càng trở thành một nơi trọng tâm mà mọi thế lực chính trị đều muốn nhắm đến để kiểm soát", ông Morris Chang - nhà sáng lập TSMC nhận định.
Vân Đàm (theo Nikkei)