Liên tục tăng trưởng
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây phát triển nhanh giúp các doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng; hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) và các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực huy động vốn dài hạn để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn; giảm bớt áp lực huy động vốn cho hệ thống NHTM; định hướng được các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng và phát triển nhanh. Nếu cuối năm 2017 đạt 6,29% GDP, cuối năm 2018 đạt 9,01% GDP thì cuối năm 2019 đã đạt 10,38% GDP (tương đương khoảng 640.000 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2011). Riêng trong năm 2019, các doanh nghiệp phát hành trên 315.000 tỷ đồng.
Quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt mục tiêu 7% GDP đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thấy phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh huy động vốn ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm lựa chọn.
Nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, các chuyên gia và thành viên của thị trường trái phiếu, Nghị định số 163 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao tính chủ động trong việc huy động vốn và tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Có hiện tượng “lách luật”
Trong thời gian gần đây, hiện tượng các doanh nghiệp dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu với khối lượng lớn cho thấy dấu hiệu của sự phát triển “nóng”. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng một số nhà đầu tư cá nhân mua theo tâm lý đám đông, chỉ quan tâm đến lãi suất mà không quan tâm đến sự hoạt động an toàn của doanh nghiệp.
Đánh giá từ quá trình quản lý và giám sát, Bộ Tài chính đã chỉ ra một số tồn tại lớn. Đầu tiên, Bộ Tài chính nhận thấy có hiện tượng “lách luật” về phát hành ra công chúng thông qua việc phát hành riêng lẻ, sau đó phân phối rộng rãi trên thị trường thứ cấp. Sự gia tăng của nhà đầu tư cá nhân gồm cả nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, đồng thời lại thiếu khả năng phân tích, đánh giá là rủi ro cho các nhà đầu tư này. Trường hợp doanh nghiệp phát hành không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư thì phạm vi bị ảnh hưởng sẽ rất lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành của pháp luật chứng khoán và pháp luật doanh nghiệp không hạn chế khối lượng huy động vốn của doanh nghiệp qua phát hành trái phiếu. Điều này dẫn đến hiện tượng nhiều doanh nghiệp phát hành khối lượng trái phiếu lớn hơn vốn chủ sở hữu.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong năm 2019, có 28/217 doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó, 11 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp khối lượng phát hành vượt 100 lần vốn chủ sở hữu. Trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn có một số doanh nghiệp không công bố cụ thể mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Ở khía cạnh khác, có hiện tượng doanh nghiệp quy mô nhỏ phát hành khối lượng lớn trái phiếu có tài sản đảm bảo dưới dạng sản phẩm tài chính cơ cấu (sản phẩm chứng khoán hóa) theo quy định của Luật Dân sự. Do hiện hành chưa có quy định về tín thác và chứng khoán hóa nên khi có rủi ro xảy ra thì khó xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên dẫn đến rủi ro khi triển khai sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dưới hình thức này.
Về lãi suất phát hành, quy định của pháp luật hiện hành không giới hạn về mức lãi suất huy động trái phiếu của doanh nghiệp. Lãi suất trái phiếu do doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư tự thỏa thuận. Do vậy, thời gian gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao có thể tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất trên thị trường, gây rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.
Tất cả những tồn tại này đã được Bộ Tài chính ghi nhận và sắp tới sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163 cho sát với thực tế hơn.
Hồng Vân