Khi soạn nghị định về chống tin nhắn rác, thư rác, cuộc gọi rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất một loại giấy phép kinh doanh mới (Ảnh minh họa)
Một trong những trường hợp điển hình của việc cài cắm giấy phép con là việc xin giấy phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, cuộc gọi và thư điện tử.
Cụ thể, khi soạn nghị định về chống tin nhắn rác, thư rác, cuộc gọi rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất một loại giấy phép kinh doanh mới. Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, cuộc gọi và thư điện tử phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông và được Bộ cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ cùng với mã số quản lý thì mới được kinh doanh.
Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ cùng với mã số quản lý này là một dạng giấy phép, điều kiện đầu tư kinh doanh được xác định tại Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Đầu tư. Theo đó, chỉ có những ngành nghề nằm trong danh mục Phụ lục 4 của Luật Đầu tư thì mới được phép ban hành giấy phép, điều kiện đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo qua tin nhắn, cuộc gọi và thư điện tử không nằm trong phụ lục 4 của Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Dịch vụ đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch cũng không thuộc danh mục Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, tại Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL7 vẫn đặt ra các điều kiện để buộc doanh nghiệp phải tuân thủ.
Cụ thể, Điều 5 Thông tư 06/2017 quy định về các tiêu chí để xin phép cung cấp dịch vụ tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch. Các điều kiện cụ thể như phải có chuyên ngành đào tạo; đề án tổ chức thi, quy trình, cơ sở vật chất, hội đồng thi; lý lịch (không vi phạm các quy định về tổ chức thi, cấp chứng chỉ).
Các quy định này được hiểu là các điều kiện để một cơ sở đào tạo được phép đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch và là một dạng điều kiện kinh doanh.
Theo quy định Điều 7 Luật Đầu tư, điều kiện kinh doanh chỉ có thể được quy định trong văn bản từ cấp Nghị định trở lên. Vì vậy, việc Thông tư quy định về các điều kiện này là không phù hợp.
Hàng loạt điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong các đợt cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc phải bãi bỏ hoặc cụ thể hoá các điều kiện kinh doanh chung chung, định tính.
Tuy nhiên, việc xây dựng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gần đây vẫn có trường hợp đưa ra các điều kiện chung chung, định tính, không minh bạch.
Cụ thể, Nghị định 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thành lập công ty thông tin tín dụng. Trong đó, khoản 4 Điều 7 Nghị định 10/2010/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp phải có “phương án kinh doanh khả thi”.
Theo VCCI, đây là quy định rất chung chung và không có cơ sở nào để cơ quan nhà nước có thể đánh giá phương án kinh doanh của doanh nghiệp là khả thi hay không khả thi.
Hơn nữa, doanh nghiệp đã bỏ tiền kinh doanh thì họ là người nắm rõ nhất tính khả thi của phương án đầu tư kinh doanh, cơ quan nhà nước không cần thiết phải đánh giá lại.
Quy định này đã được rà soát nhiều lần khi soạn thảo Nghị định 57/2016/NĐ-CP , Nghị định 16/2019/NĐCP và gần đây nhất là dự thảo Nghị định về thông tin tín dụng nhưng vẫn không được bãi bỏ.
Một ví dụ khác là Nghị định 38/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khí tượng thuỷ văn đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi. Trong đó, các nội dung về điều kiện đầu tư kinh doanh không minh bạch vẫn còn tồn tại như doanh nghiệp phải “có quy trình kỹ thuật, công cụ dự báo, bảo đảm tính khoa học, độc lập, khách quan”.
Tuy nhiên, theo VCCI, các điều kiện này còn mang tính định tính: không rõ phương án dự báo như thế nào sẽ đảm bảo tính khoa học, độc lập, khách quan của các sản phẩm dự báo? Cơ quan nhà nước sẽ dựa vào tiêu chí nào để đánh giá phương án này…
Vĩnh Chi