Cocobay Đà Nẵng vỡ trận
Giữa tháng 11/2019, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng - Tập đoàn Empire - gửi thư cho khách hàng thông báo không thể thực hiện được việc chi trả lợi nhuận lên tới 12%/năm như đã cam kết.
Vụ việc này gây chấn động cả thị trường, nhiều góc nhìn khác nhau về loại hình bất động sản này đã được đưa ra.
Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nở rộ trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây với đa dạng dòng sản phẩm cho nhà đầu tư lựa chọn cùng mức giá hợp lý, cam kết cao về lãi suất đã thu hút rất đông nhà đầu tư tham gia.
Mặc dù chưa có hành lang pháp lý về loại hình bất động sản này nhưng với tiềm năng du lịch cũng như mức cam kết cao, thị trường condotel đã rất sôi động từ 2016-2019.
Tuy nhiên, đến thời điểm giao dịch condotel chững lại, hành lang pháp lý chưa rõ ràng và việc phá vỡ cam kết từ nhiều dự án được kỳ vọng rất cao của chủ đầu tư, điển hình là Cocobay Đà Nẵng, nhiều nghi ngờ đối với loại hình bất động sản này bắt đầu được dư luận và giới chuyên gia chỉ ra.
Địa ốc Alibaba "xộ khám" vì loạt dự án ma
Tháng 9/2019, giới đầu tư bất động sản xôn xao trước thông tin Chủ tịch địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện bị bắt vì liên quan đến loạt dự án "ma", trải dài nhiều tỉnh thành phía Nam. Đây thực sự là một cú sốc với hơn 1.000 nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin vào công ty này.
Theo đó, Alibaba bán đất và huy động vốn thông qua hình thức kêu gọi đầu tư vào hàng nghìn lô đất nông nghiệp ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...Việc huy động vốn và nhận lãi tương tự mô hình lừa đảo Ponzi, tức là các nhà đầu tư ký hợp đồng với Alibaba sẽ có quyền chọn (đất hoặc lãi suất cam kết) và sau mỗi lần mở bán thì Alibaba sẽ cộng thêm phần lãi của đợt mở bán trước và chi phí quản lý.
Về cơ bản, mô hình huy vộng vốn này gặp rất nhiều rủi ro nhưng các nhà đầu tư vẫn tin tưởng dốc tiền và kết quả là Alibaba đã lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng từ người mua.
Những sai phạm của Địa ốc Alibaba khi bị phát lộ đã kéo theo sự trầm lắng đáng kể của thị trường đất nền. Tâm lý lo ngại và e dè từ các nhà đầu tư lan ra cả thị trường, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các khu vực lân cận.
Đề nghị dừng lập quy hoạch đặc khu bắc Vân Phong
Cuối năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét dừng chủ trương lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đặc khu bắc Vân Phong và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện một số thủ tục để triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bắc Vân Phong như: dự thảo nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch…
Tuy nhiên, do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội thông qua, nên quá trình triển khai lập quy hoạch khu vực bắc Vân Phong theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định được cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch, hội đồng thẩm định và các nội dung liên quan khác.
Do những khó khăn, vướng mắc nêu trên, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bắc Vân Phong cũng chưa được triển khai.
Kỷ lục huy động vốn bằng trái phiếu
Ngân hàng nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản, kiểm soát dư nợ, giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn…
Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp bất động sản đua nhau đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu để đảm bảo cho các dự án.
Tính tới tháng 12/2019, hơn 61.000 tỷ đồng phát hành từ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó riêng ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng chiếm 27%, tương đương với hơn 16.000 tỷ đồng.
Nguồn cung căn hộ khan hiếm
Với tình trạng quỹ đất ở các khu vực trung tâm ngày càng hạn hẹp, nhiều dự án "khủng" đang nằm trong diện bị thanh tra hoặc đang xin phép dẫn tới nguồn cung bất động sản đặc biệt ở thị trường TP.HCM trở nên khan hiếm.
Theo nghiên cứu của Batdongsan.com.vn thì nhu cầu tìm kiếm căn hộ vẫn tăng mạnh ở năm 2019 và tập trung hơn 60% vào phân khúc tầm trung và bình dân.
Bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land cho biết: “Đây là bài toán nan giải đối với các chủ đầu tư do chi phí đầu vào tăng cao, quỹ đất hạn hẹp và kết nối hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển tại các khu đô thị vệ tinh cũng như vùng lân cận”.
Châu Anh