Bộ tiêu chuẩn GRI: Công cụ giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh

Bộ tiêu chuẩn GRI: Công cụ giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh
Báo cáo phát triển bền vững giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết đã triển khai việc lập báo cáo phát triển bền vững.

Ngoài việc tuân thủ các yêu cầu của thông tư 155/2015/TT-BTC liên quan đến công bố thông tin trên thị trường chứng khoán về tác động của công ty đến môi trường và xã hội, gần đây, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến Bộ tiêu chuẩn GRI về lập báo cáo phát triển bền vững. Đây là bộ tiêu chuẩn đã được áp dụng bởi hơn 10.000 tổ chức, kho dữ liệu báo cáo bền vững của GRI hiện cập nhật hơn 50.000 báo cáo được cập nhật đến cuối năm 2019.

Năm 2020, mối quan tâm về phát triển bền vững trên thị trường thế giới và Việt Nam được nhìn nhận sẽ ngày càng gia tăng. Xu hướng này buộc các doanh nghiệp thay đổi nhận thức, quan tâm hơn về mặt quản trị công ty nhằm tối ưu hóa hoạt động, trong đó báo cáo phát triển bền vững có thể là một công cụ hữu ích.

Một nghiên cứu của PwC được công bố gần đây cho thấy, báo cáo phát triển bền vững có thể chuyển tải được tầm nhìn, chiến lược; điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp từ đó giúp doanh nghiệp xác định được giải pháp ứng phó, đồng thời khích lệ nhân viên làm việc với những mục tiêu cao cả hơn. Báo cáo phát triển bền vững cũng góp phần tạo ra danh tiếng và lòng tin vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư...

Đại diện Tập đoàn Bảo Việt, đơn vị đi đầu trong việc lập báo cáo phát triển bền vững những năm gần đây cho biết, báo cáo phát triển bền vững là công cụ quản trị, đo lường và đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược, theo các xu hướng phát triển trên thế giới.

The PAN Group, một doanh nghiệp niêm yết những năm gần đây gặt hái khá nhiều giải thưởng về báo cáo phát triển bền vững cũng chia sẻ rằng, việc lập báo cáo này không đơn thuần trên giấy mà phải đi từ thực tế, từ hành động cụ thể của doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp tối ưu hóa trong các hoạt động, tăng lợi thế cạnh tranh trong ngành nông nghiệp, xuất khẩu cũng như giúp cho chuỗi cung ứng của họ hướng đến một giá trị bền vững. Đặc biệt, làm tốt việc lập báo cáo góp phần cải thiện khả năng nhận định rủi ro và cơ hội kinh doanh mới của doanh nghiệp.

Câu chuyện sử dụng thành công báo cáo bền vững của H&N Garment có thể là kinh nghiệm hữu ích với nhiều doanh nghiệp.

H&N là một công ty nhỏ, một nhà cung cấp cho Heineken Vietnam trong mảng may mặc, cung cấp quần áo, đồng phục cho Heineken. Trên thực tế, Heineken là 1 công ty tiên phong trong phát triển bền vững, vì vậy nhà sản xuất này có các tiêu chí  và yêu cầu bền vững riêng đối với từng chuỗi nhà cung cấp của họ… H&N Garment đã nắm bắt theo được xu hướng phát triển bền vững, nhằm đáp ứng không chỉ yêu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường toàn cầu.

Qua các ví dụ nêu trên, việc các doanh nghiệp gia tăng tiếp cận tiêu chuẩn GRI được nhìn nhận là một xu hướng tích cực, đồng thời sử dụng bộ tiêu chuẩn này cũng là để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhằm tạo ra giá trị cạnh tranh.

Thủy Nguyễn

Tags: Bộ Tiêu Chuẩn Gri Doanh Nghiệp Heineken Thị Trường Chuỗi Giá Trị Toàn Cầu Xu Hướng Pwc Tập Đoàn Bảo Việt