Các quan chức Mỹ ngày càng muốn ép Apple cởi mở với vấn đề mã hóa iPhone . Ảnh: Reuters
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đả kích Apple trong một tweet vì hãng từ chối mở khóa điện thoại iPhone của kẻ tình nghi trong các cuộc điều tra tội phạm, dù chính phủ đã giúp Apple hưởng lợi từ các chính sách thương mại gần đây.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang tìm cách mở khóa hai chiếc iPhone liên quan đến vụ án xả súng bắn chết ba người Mỹ của một sĩ quan không quân Saudi tại căn cứ hải quân Pensacola, Florida. Bộ trưởng Tư pháp William Barr tuần này cũng kêu gọi Apple giúp đỡ để điều tra vụ việc.
Yêu cầu của họ đã xung đột với những vấn đề riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, thứ mà Apple và các đối thủ của họ đang tìm cách dùng làm “lá bùa” để tạo niềm tin cho khách hàng và bảo vệ họ bằng các thuật toán mã hóa mạnh mẽ, trong khi các quan chức thực thi pháp luật muốn gỡ bỏ mã hóa phần cứng hoặc tạo ra “cửa hậu” để nhanh chóng truy bắt tội phạm.
Bộ trưởng Tài chính Mnuchin chia sẻ với CNBC, “tôi hiểu được quan điểm của Tổng thống Trump và điều quan trọng là các công ty công nghệ của chúng ta cần phải hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật”. Sau đó, ông Mnuchin chia sẻ với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông chưa có dịp thảo luận vấn đề này với Apple và chưa nắm rõ chi tiết, ông nói, “tôi biết rằng Apple đã hợp tác với chính phủ trong quá khứ về các vấn đề liên quan tới thực thi pháp luật, nên tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục hợp tác trong trường hợp này”.
Tuy nhiên, Apple tuyên bố họ đã giúp các nhà điều tra trong vụ án Pensacola bằng cách cung cấp các dữ liệu khác mà họ có, nhưng họ không thể truy cập dữ liệu được mã hóa được lưu trữ nội bộ trên các thiết bị do không hề tạo ra thứ gọi là “cửa hậu” trên phần mềm của hãng và họ cũng không muốn tạo ra nó vì sẽ phá vỡ nguyên tắc bảo mật của chính họ đặt ra.
Hữu Thắng