Cà phê Ông Bầu của ái nữ bầu Đức có “bảo bối” gì giành thị phần với Trung Nguyên, King Coffee, Nescafe...?

Cà phê Ông Bầu của ái nữ bầu Đức có “bảo bối” gì giành thị phần với Trung Nguyên, King Coffee, Nescafe...?
Trước khi cà phê Ông Bầu của ái nữ bầu Đức ra đời thì thị trường cà phê Việt Nam đang cạnh tranh nhau gay gắt với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Trung Nguyên, King Coffee, Nescafe, The Coffee Bean & Tea Leaf…

Theo đuổi thương hiệu cà phê sạch

Dư luận mới đây không khỏi xôn xao trước việc ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xuất hiện với tư cách mới là đại diện của Công ty CP cà phê Ông Bầu. Đây là mảng kinh doanh mới mà bầu Đức tham gia nhưng cà phê Ông Bầu không phải là Công ty con của Hoàng Anh Gia Lai.

Ông Đoàn Nguyên Đức tiết lộ việc lấy tên là cà phê Ông Bầu một cách dí dỏm rằng: "Tôi nhận thấy nếu lấy tên là "cà phê ông Đức" e rằng không ai biết nên quyết định chọn thương hiệu "cà phê Ông Bầu" - cà phê sạch cũng như phong cách bóng đá sạch mà tôi theo đuổi".

 Bà Trần Thị Kim Oanh cũng chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP cà phê Ông Bầu. (Ảnh minh họa).

Theo tra cứu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty CP cà phê Ông Bầu được thành lập vào ngày 25/11/2019, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có trụ sở chính tại 384 Hoàng Diệu, Phường 6, Quận 4, TP.HCM.

Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất cà phê như rang và lọc chất cafein cà phê, sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê pha phin, cà phê túi lọc, chiết xuất cà phê và cà phê cô đặc, sản xuất các chất thay thế cà phê. Công ty cũng sản xuất chè, trà dược thảo, bán buôn thực phẩm, các lĩnh vực này đều không hoạt động tại trụ sở.

Doanh nghiệp này có 3 cổ đông sáng lập, gồm: Bà Trần Thị Kim Oanh sở hữu 51% cổ phần; 2 cổ đông là Đoàn Hoàng Anh và Võ Quốc Lợi cùng sở hữu 24,5% cổ phần.

Bà Trần Thị Kim Oanh cũng chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty này. Bà Oanh được biết đến là con gái của ông Đoàn Nguyên Đức. Ngoài ra, bà Oanh hiện đang là thành viên ban kiểm soát tại Công ty CP Cà phê Phước An - Công ty con của Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood. Doanh nghiệp này cũng vừa lên sàn UPCoM vào ngày 30/12/2019.

“Sinh sau đẻ muộn”… cà phê Ông Bầu có “bảo bối” gì giành thị phần với loạt “ông lớn” cà phê?

Trước khi “cà phê Ông Bầu” ra đời, cà phê Việt Nam đang cạnh tranh nhau gay gắt trên cả 2 thị trường rang xay và hòa tan. Trong đó, ở thị trường rang xay với mức giá bình dân có thể kể đến các thương hiệu như: Cafe Milano, Napoli Cafe, Viva Star Coffee. Giá cao hơn một chút có chuỗi: Highlands Coffee, Cộng Cà Phê, The Coffee House, Phúc Long, King Coffee… Cao hơn nữa là: Trung Nguyên, The Coffee Bean & Tea Leaf.

Thương hiệu Trung Nguyên Legend Café. 

Một số thông tin cho rằng, có thời kỳ Trung Nguyên áp đảo về mảng cà phê rang xay với thị phần khoảng 60%, kiếm tiền nhiều từ xuất khẩu cà phê hòa tan ở thị trường Trung Quốc.

Đối với thị trường cà phê hòa tan, có 3 thương hiệu đang thống lĩnh gồm: Nescafe của Nestlé, G7 của Trung Nguyên, Vinacafe của Vinacafé Biên Hòa (Vinacafe và G7 là 2 thương hiệu Việt Nam, còn Nescafe là thương hiệu Thụy Sỹ).

Theo một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, năm 2014, Vinacafe chiếm 41% thị phần, thứ hai là Nestlé (26,3%), thứ ba là Trung Nguyên (16%).

Hầu hết các thương hiệu nào cũng đều rất tập trung vào chiến dịch quảng cáo và làm thương hiệu, để tạo sức hút và cạnh tranh với đối thủ trên thị trường. Còn nhớ Nescafe từng làm dậy sóng một thời với khẩu hiệu “Bạn có đủ mạnh để thử", và G7 sau đó có màn đáp trả - “Mạnh chưa đủ, phải đúng gu”.

Nescafe

Trở lại với “cà phê Ông Bầu”, giới kinh doanh hiện đang khá tò mò, muốn biết: Sinh sau đẻ muộn… cà phê Ông Bầu của ái nữ bầu Đức có “bảo bối” gì giành thị phần với Trung Nguyên, King Coffee, Nescafe...?

Khánh Hoài (Tổng hợp)

Tags: Cà Phê Cà Phê Ông Bầu Nescafe Trung Nguyên