Theo ông Minh, đã có khoảng 168.000 khách hàng được thụ hưởng chương trình này, trong đó 38% là doanh nghiệp.
Trong khi đó, số liệu đưa ra từ NHNN, tính đến cuối tháng 4/2020 đã có hơn 170.740 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Khoảng 980.163 tỷ đồng của 14.372 khách hàng được miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ. Mức hạ lãi suất phổ biến của các ngân hàng là 0,5-2% một năm, thậm chí có nhà băng giảm lãi suất 2,5-4% một năm với các khoản vay hiện hữu. Riêng lãi suất cho vay mới cũng giảm 1-2% một năm với dư nợ cho vay khoảng 533.000 tỷ đồng.
NHNN cũng cho hay, tính đến giữa tháng 4/2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả nước chỉ còn 0,8%. Trước đó, báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến ngày 10/4, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tín dụng 3 tháng đầu năm tăng 1,3%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4/2020, tín dụng sụt giảm 0,5%. Con số này sụt giảm so với tháng 3/2020 (tín dụng tháng 3 tăng 1,1%).
Riêng tại địa bàn TP.HCM, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, tính đến hết tháng 4/2020, tăng trưởng huy động tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM chỉ tăng 0,5%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố đến hết tháng 4/2020 là 2,22%.
Sở dĩ nguồn tiết kiệm chỉ tăng nhẹ trong những tháng đầu năm nay do ảnh hưởng bởi dịch covid-19, lãi suất tiết kiệm có chiều hướng giảm nhẹ, ngân hàng có điều kiện cắt giảm lãi suất cho vay.
Trong đó, từ đầu tháng 4/2020, nhiều NHTM đã thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng giảm ở các kỳ hạn.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) có sự điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng về mức 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm % so với tháng 3/2020.
Vân Linh