1. Không gửi tiền cùng chỗ:
Khi gửi tiết kiệm ngân hàng, bạn phải nhớ rõ một quy tắc bất di bất dịch: Bất cứ thứ gì sinh lời đều đi kèm rủi ro, vậy nên đừng bỏ toàn bộ tiền cùng chỗ. Bởi bất kỳ hình thức nào, dù an toàn đến đâu, cũng tồn tại những xác suất rủi ro khó lường như: ngân hàng phá sản, tài khoản bị hack,...
2. Linh hoạt rút tiền mà không cần tất toán trước hạn:
Kỳ hạn gửi tiết kiệm của ngân hàng thường được chia thành các nấc sau: kỳ hạn ngắn từ 1 tuần, 1 tháng đến 6 tháng; kỳ hạn dài thì kéo dài từ trên 6 tháng đến tận 15 năm. Thông thường kỳ hạn tiết kiệm càng dài, lãi suất sẽ càng cao. Tuy nhiên, đừng dồn toàn bộ tiền vào gửi tiết kiệm dài hạn, mà hãy chia ra nhiều sổ gửi với nhiều mức kỳ hạn khác nhau sẽ an toàn hơn.
3. Tối đa tiền lãi tiết kiệm:
Ví dụ: Bạn có 100 triệu để gửi tiết kiệm. Thay vì dồn tất cả vào 1 sổ, hãy chia ra làm 3 sổ, với số dư như sau: 2 sổ gửi ngắn hạn, mỗi sổ 20 triệu; 60 triệu gửi dài hạn. Nếu trong trường hợp cần gấp 20 triệu, bạn chỉ cần tất toán 1 sổ tiết kiệm là giải quyết ổn thỏa, không ảnh hưởng đến lãi suất của 2 sổ còn lại.
4. Xác định thời gian bạn muốn tiết kiệm
Thời gian tiết kiệm dài hay ngắn phụ thuộc vào khả năng tài chính cũng như số tiền đặt ra. Vì thế, việc xác định rõ ràng thời gian sẽ giúp bạn cụ thể hóa việc tiết kiệm của mình cũng như có một chiến lược tiết kiệm khôn ngoan hơn. Đồng thời, bắt tay vào tiết kiệm càng sớm sẽ giúp bạn đạt được nhiều mục tiêu hơn, xử lý được những rủi ro bất ngờ và sẵn sàng nâng cấp cuộc sống của chính mình.
Những nguyên tắc khi gửi tiết kiệm ngân hàng, cần nắm rõ:
1. Cách tính lãi suất tiết kiệm:
Số tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (%/năm) x Số ngày thực gửi / 365
Ví dụ bạn gửi số tiền 100 triệu với lãi suất 7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng từ ngày 3/3/2019 đến 3/10/2019, sẽ nhận được số tiền lãi như sau:
Số tiền lãi = 100.000.000 x 7% x 181 / 365 = 3,371,233
2. Chú ý ngày đáo hạn và tất toán sổ tiết kiệm:
Mỗi tài khoản tiết kiệm đều có ngày đáo hạn cố định được quy định rõ ràng. Vào ngày này, bạn có thể thực hiện tất toán (đóng tài khoản tiết kiệm) để nhận lại toàn bộ cả tiền gốc và lãi suất. Dưới đây là một số cách thức tất toán tiết kiệm, bạn nên biết:
- Tự động tái tục gốc và lãi: tại ngày đáo hạn, toàn bộ số tiền gốc và suất sẽ được gửi tiếp cho ngân hàng với kỳ hạn và các điều khoản giống như trước. Với mức lãi suất được niêm yết tại thời điểm tái tục.
- Tự động tất toán: tại ngày đáo hạn, tài khoản tiết kiệm sẽ đóng lại. Tiền gốc và lãi suất sẽ được gửi về tài khoản của khách hàng.
3: Lưu ý lãi suất kép
Lãi suất kép nôm na là lãi suất tích lũy trong tài khoản thời gian dài. Lãi suất có thể không cao nhưng chỉ cần đủ lâu nó sẽ biến khối tài sản của bạn lớn hơn rất nhiều. Bạn sẽ được trả thêm tiền lãi trên chính lãi suất tiết kiệm sinh ra theo thời gian gửi tiết kiệm. Hãy tạo thói quen gửi tiết kiệm ngay từ bây giờ! Bắt đầu càng sớm bạn càng có nhiều thời gian gia tăng tài khoản tiết kiệm (lãi suất kép) cho chính mình.
4: Bảo hiểm tiền gửi
Để bảo vệ khoản tiết kiệm của bạn tại ngân hàng, nhà nước đã quy định về chính sách bảo hiểm tiền gửi (không tốn phí). Theo đó, khi ngân hàng có rủi ro, tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ tiến hành chi trả theo quy định. Tuy nhiên, dù khoản tiết kiệm 500 triệu đồng hay hàng tỷ đồng, bạn chỉ được nhận mức chi trả tối đa hiện nay là 75 triệu đồng từ khoản bảo hiểm tiền gửi. Vì vậy, bạn nên lưu ý về uy tín ngân hàng để gửi tiền và gửi tiết kiệm tại ít nhất hai ngân hàng để hạn chế rủi ro tài chính có thể xảy ra.
Kiều Trang (T/h)