Cách thành viên Alibaba chi phối ví điện tử eMonkey của Việt Nam

Cách thành viên Alibaba chi phối ví điện tử eMonkey của Việt Nam
Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho hay Ant Financial, một công ty fintech thuộc tập đoàn Alibaba, đã âm thầm thực hiện thâu tóm lượng lớn cổ phần ví điện tử eMonkey của Việt Nam. Dù không kiểm soát trên 50% cổ phần nhưng Ant Financial được kỳ vọng sẽ có tầm ảnh hưởng lớn tại eMonkey. Vậy tầm ảnh hưởng này đã được cụ thể hóa ra sao?

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo tìm hiểu của VietTimes, eMonkey là sản phẩm ví điện tử đa năng của CTCP Dịch vụ Thương mại và Công nghệ M-Pay (M-Pay). Công ty này được thành lập vào tháng 12/2008, đăng ký địa chỉ tại Tòa nhà VTC Online, số 18, phố Tam Trinh, Phường Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

M-Pay có 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, các cổ đông Nguyễn Hữu Bình và Lachlan Herbert Fleming đã thực hiện chuyển nhượng cổ phần từ năm 2015. Cổ đông Nguyễn Quang Minh (sinh năm 1976) vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu 50,5% vốn điều lệ của M-Pay.

Tới tháng 12/2016, M-Pay được NHNN cấp Giấy phép số 76/GP-NHNN về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, thời hạn 10 năm. Các dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép gồm có: Dịch vụ cổng thanh toán điện tử; Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; Dịch vụ ví điện tử.

Hoạt động được nhiều năm, song eMonkey vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn trên thị trường như các ví điện tử khác.

Gần đây, một bài viết của Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho hay, Ant Financial, một công ty fintech thuộc tập đoàn Alibaba, đã âm thầm thực hiện thâu tóm lượng lớn cổ phần ví điện tử eMonkey.

Theo nguồn tin này, hoạt động đàm phán mua lượng lớn cổ phần ví eMonkey đã được Ant Financial thực hiện từ mùa hè năm nay nhưng vì một số lý do không được công bố rộng rãi.

Thành viên của tập đoàn Alibaba không sở hữu trên 50% cổ phần eMonkey nhưng được kỳ vọng sẽ có những ảnh hưởng lớn và cung cấp thêm chuyên môn về kỹ thuật ví điện tử cho M-Pay.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, nhiều khả năng Ant Financial đã cụ thể hóa tầm ảnh hưởng của mình tại M-Pay kể từ cuối tháng 11/2019.

Cụ thể, theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 21/11/2019, ông Phan Thanh Nhã (sinh năm 1978) không còn giữ chức danh Giám đốc của M-Pay mà chuyển sang vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Trong khi đó, vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của M-Pay lần lượt do các nhân sự người nước ngoài là ông Leiming Chen (sinh năm 1961) và Ou Yang Sau Vern (sinh năm 1980) đảm nhiệm.

Đáng chú ý, trong ban điều hành của Ant Financial cũng có một nhân sự cấp cao tên là Leiming Chen - hiện giữ chức vụ giám đốc pháp lý (General Counsel) chuyên phụ trách các hoạt động pháp lý và tuân thủ của công ty này.

Phần giới thiệu về ông Leiming Chen của Ant Financial


Thương vụ sẽ mở ra cơ hội để Ant Financial gia nhập thị trường 100 triệu dân (1/4 dân số dưới tuổi 25) có tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử cao nhất trong khu vực.Ngoài ra, nguồn tin của tờ Reuters cho biết, mặc dù đã có văn phòng ở Việt Nam, Ant Financial vẫn chọn đầu tư vào eMonkey vì đơn vị này đã nhận được tất cả giấy phép hoạt động từ NHNN.

Đánh giá về động thái này, ông Nick Marro, Trưởng bộ phận thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, cho rằng “đây là một vấn đề nóng và chính quyền Việt Nam phải cân đối”./.

Nguyễn Ánh

Tags: Tập Đoàn Alibaba Ant Financial Leiming Chen Alibaba