Cần áp dụng kinh tế nhựa tuần hoàn

Cần áp dụng kinh tế nhựa tuần hoàn
Mô hình kinh tế tuần hoàn được xem là ưu việt khi tối đa hóa được vòng đời của sản phẩm nhựa làm tăng lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tỷ lệ tái chế còn thấp

Theo GS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Năm 2014, toàn thế giới đã sản xuất 314 triệu tấn nhựa, dự báo tới 2050, toàn cầu có thể sản xuất tới gần 1.124 triệu tấn nhựa. 

GS Đặng Kim Chi cho biết: “Những năm gần đây, chỉ có khoảng 14% chất thải nhựa được thu hồi để tái chế hoặc tái sử dụng. Trong các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, Việt Nam đứng hàng thứ 4, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Đây là một thách thức lớn cho môi trường, bởi vì với đặc tính bền trong môi trường tự nhiên, phải mất một thời gian rất lâu, có thể lên tới hàng trăm năm, những rác thải nhựa này mới có thể phân hủy được”.

Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào Cai. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt  cả nước phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 37.000 tấn/ngày, nông thôn khoảng 24.000 tấn/ngày. Trong số rác thải này, rác thải nhựa chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho thấy, tại Hà Nội, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình 6.500 tấn/ngày.  Số lượng rác này không được phân loại tại nguồn, thành phần đa dạng, trong đó, chất thải nhựa chiếm tỷ lệ cao, chiếm 17,14%.

Chất thải nhựa thải ra môi trường chủ yếu là nhựa dùng 1 lần và túi ni lông phát sinh từ sinh hoạt, nhựa phế liệu phát sinh từ các cơ sở sản xuất. Các loại nhựa có giá trị tái chế như chai nước...được thu gom một phần từ hộ gia đình, nhặt tại bãi rác, nhưng các loại nhựa không có hoặc có giá trị tái chế thấp, gồm túi nilon, hộp xốp các loại, ống hút nhựa bị thải ra môi trường. 

Đại diện Urenco cho biết, hiện nay chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa chưa được coi là tài nguyên. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon do thói quen sử dụng túi nilon tràn lan trong các hoạt động sinh hoạt, xã hội. Hàng năm mỗi người Việt sử dụng khoảng 30 kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa nhưng tỷ lệ tái chế còn rất thấp.

Theo thống kê, việc thu gom rác thải nhựa mới chỉ đạt khoảng 20%, hoạt động tái chế phế thải nhựa cũng chưa phát triển, mới chỉ mang tính sơ khai, công nghệ lạc hậu, thủ công.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tái chế nhựa là cần thiết

Theo GS Đặng Kim Chi, việc phát triển ngành nhựa ở Việt Nam vẫn chưa thật sự đồng bộ và chưa tương xứng là ngành công nghiệp phụ trợ thiết yếu trong quá trình phát triển kinh tế. Có tới 90% doanh nghiệp ngành nhựa không chủ động được nguồn nguyên liệu, vì nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 15-20% và chủ yếu là tái sinh từ chất thải nhựa, còn hạt nhựa nguyên.

Hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam còn rất sơ khai, một số cơ sở ngành nhựa đã thực hiện tái chế phế liệu thì qui mô còn nhỏ, công nghệ rất lạc hậu, hiệu quả tái chế thấp. Trong khi nguồn rác thải nhựa trong nước lớn không được tận dụng để tái chế, thì do còn phụ thuộc tới 80% nguyên liệu đầu vào từ nguồn bên ngoài, mỗi năm ngành nhựa đang nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn phế thải để phục vụ sản xuất.

Trên thế giới đến nay chưa có một quốc gia nào từ bỏ sản phẩm nhựa. Vấn đề là sản xuất, tiêu thụ và xử lý rác thải như sau sử dụng như thế nào để nó có thể trở thành một nguồn tài nguyên mới, tạo ra các giá trị về kinh tế và môi trường. Muốn làm được điều này, mỗi một doanh nghiệp hay một cá nhân đều là những mắt xích quan trọng, trong đó có các doanh nghiệp ngành nhựa.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mô hình kinh tế tuần hoàn được xác định là “chìa khóa vàng” gỡ bỏ các vướng mắc và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp nhựa và ngành nghề liên thông qua các hoạt động quản lý, thu gom và thái chế rác thải nhựa ở Việt Nam.

Chính vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần tiếp cận ngay với nền kinh tế tuần hoàn đang được xem là mô hình ưu việt khi tối đa hóa được vòng đời của sản phẩm, tạo ra những nguồn nguyên liệu mới từ phế liệu nhựa để vừa đạt được lợi ích về kinh tế, tạo ra các giá trị mới cho xã hội và môi trường.

Ông Phạm Hoàng Hải, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc VCCI nhận xét,kinh tế tuần hoàn chưa thực sự khởi sắc tại Việt Nam khi hệ thống pháp lý chưa khuyến khích thực hiện gia công tái chế. Cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự có một chương trình khuyến khích được sự tham gia từ cộng đồng trong các hoạt động thu gom, tái chế nhựa phế liệu.

Các chuyên gia thuộc Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, tái chế nhựa tại Việt Nam chính là một trong những hoạt động hướng đến việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Việc thúc đẩy áp dụng các mô hình của kinh tế tuần hoàn vào trong ngành công nghiệp tái chế nhựa là một bước đi hoàn toàn cần thiết nhằm biến ngành này trở thành một ngành mũi nhọn trong phân ngành công nghiệp môi trường.

GS Đặng Kim Chi cũng đề xuất, nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường trước những tác động gây ô nhiễm của chất thải nhựa, cần thiết phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa, giáo dục, tuyên truyền giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dựng và tái chế chất thải nhựa. 

“Đề nghị xem xét, có thể cần có nghị định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và tái chế chất thải nhựa, bên cạnh các văn bản chung về quản lý tái chế chất thải. Các giải pháp công nghệ, kỹ thuật thân thiện với môi trường trong tái chế, tái sử dụng hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống là rất cần thiết và cần được khuyến khích, đầu tư, tạo điều kiện để có được các kết quả áp dựng vào thực tế”, GS Đặng Kim Chi kiến nghị.

Kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu là sử dụng tiết kiệm tài nguyên đầu vào và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở đầu ra. Ở cấp độ doanh nghiệp, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế chu trình không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải phát sinh từ sản xuất đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.

Thu Trang/Báo Tin tức

 

 

Tags: Rác Thải Nhựa Tái Chế Nhựa Sản Phẩm Nhựa Tái Sử Dụng