Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Trong những ngày gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang có thể dẫn đến xung đột vũ trang ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi, chiều ngày 8/1, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước có văn bản chỉ đạo doanh nghiệp tạm dừng ngay việc đưa lao động sang Trung Đông.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước phân công doanh nghiệp cử người theo dõi nhập danh sách đầu mối liên hệ đường dây nóng, email để theo dõi diễn biến tình hình, có biện pháp ứng phó khi xảy ra phát sinh, nắm bắt thường xuyên tình hình và phối hợp với Bộ Ngoại giao thông tin kịp thời, lên phương án xử lý trong tình huống xấu nhất, thậm chí chuyển dịch địa bàn xuất khẩu.
Về xuất khẩu lao động trong năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu không hướng đưa lao động vào thị trường Trung Đông, mà tập trung vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Các đơn vị cần tập trung tối đa mở rộng địa bàn ổn định, có thu nhập tốt nhưng phải đóng cửa tạm thời thị trường có công việc, thu nhập không ổn định. Như địa bàn Trung Đông không khuyến khích, thậm chí thời điểm này đóng cửa tạm thời ngay.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 10.000 lao động Việt Nam đang làm các công việc xây dựng, cơ khí, giúp việc gia đình... ở khu vực Trung Đông, chủ yếu tập trung tại Saudi Arabia (7.000 người), UAE (3.000 người), Kuwait (1.000 người), Qatar (600 người), Oman (90 người), Bahrain (70 người).
Để đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động, kịp thời sơ tán người lao động khi có nguy cơ chiến tranh xảy ra, cũng như việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam đang làm việc tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục rà soát tình hình lao động, việc làm và sinh hoạt của lao động Việt Nam tại các nước trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi,
Doanh nghiệp phải lập danh sách số lao động, số điện thoại, email, đầu mối liên hệ của các nhóm lao động và cán bộ đại diện doanh nghiệp tại thị trường để theo dõi, quản lý và hỗ trợ khi cần thiết; phối hợp chặt chẽ với công ty sử dụng lao động, các bên liên quan có phương án bảo vệ an toàn, an ninh cho người lao động và sơ tán khi có diễn biến xấu xảy ra. Mỗi doanh nghiệp phải thiết lập đường dây nóng (số điện thoại, email của 1 lãnh đạo và 1 cán bộ thị trường)./.
Hồng Kiều