Hai ngày sau khi bước vào năm 2020 – năm quan trọng với mục tiêu tái tranh cử Tổng thống, ông Trump – người vốn luôn phản đối các cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông – đã kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến khác với những hậu quả lớn chưa thể đoán trước.
Với việc sát hại Tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) - Tướng Qasem Soleimani, ở Iraq, Tổng thống Trump đã đưa nước Mỹ tới gần hơn nguy cơ một cuộc xung đột mở nhưng ông tuyên bố là có thể ngăn chặn được kiểu chiến tranh tổng lực với Iran – điều có thể gây sốc cho an ninh quốc gia và nền kinh tế của Mỹ cũng như trên toàn cầu.
Tuy nhiên, với sự tiếp cận dễ dàng của Iran với các mục tiêu mềm, Trung Đông và thậm chí cả châu Âu có thể trở nên ít an toàn hơn đối với người Mỹ, trong đó có cả các binh sỹ Mỹ mà ông Trump muốn đưa về nước.
Nguy cơ leo thang được nhận thấy rõ khi một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng Mỹ sẽ triển khai thêm 3.000 binh sỹ tới Trung Đông, trong đó 750 binh sỹ đã được triển khai tới để bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Nguy cơ đổ máu ở Trung Đông
Vẫn còn quá sớm để biết liệu cái chết của Tướng Soleimani có làm suy yếu Iran một cách đáng kể hay cải thiện vị thế chiến lược của Mỹ hay không, liệu nó có nhen nhóm một cuộc xung đột lớn trong khu vực hay không và nó sẽ tác động thế nào tới tương lai chính cũng như di sản của ông Trump.
Cũng chưa thể nói trước liệu nó sẽ thay đổi bối cảnh chính trị bên trong Iran như thế nào khi mà mà chính quyền Cộng hòa Hồi giáo đang bị bao vây bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và các cuộc biểu tình ở nhiều khu vực trên cả nước.
Tuy nhiên, Iran chắc chắn coi vụ sát hại một trong những lãnh đạo chính trị quan trọng nhất của nước này là một hành động chiến tranh, vì thế, sự trả thù chắc chắn sẽ “không hề đơn giản”.
“Chắc chắn sẽ có những hậu quả không được định hướng trước, và tôi nghĩ tốt hơn là các đại sứ quán của chúng ta nên được bảo vệ nghiêm ngặt”, cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq Christopher Hill nói với CNN.
“Iran đơn giản là sẽ không để yên vụ việc này. Chắc chắn sẽ có sự đáp trả và tôi e là sẽ có đổ máu ở nhiều nơi”, ông Christopher Hill nói thêm.
Lịch sử gần đây được đánh dấu bằng các hành động gây sốc và đáng sợ của Mỹ về các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan vốn chỉ mang lại sự hài lòng trước mắt nhưng lại đi kèm với những thảm họa chính trị và quân sự lâu dài. Một cuộc xung đột tổng lực với Iran sẽ còn phức tạp hơn nhiều so với cả 2 cuộc chiến này.
Sự trả thù của Iran
Cuộc không kích dẫn tới cái chết của Tướng Soleimani có thể là hành động được tính toán đáng kể nhất của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh 40 năm qua với Iran.
Với việc Tướng Soleimani thường xuyên tới Iraq, Syria và các khu vực khác ở Trung Đông Đông, đây không phải lần đầu tiên ông sẽ có mặt tại một nơi nằm trong “vùng đánh dấu” của Mỹ. Tuy nhiên, các thời Tổng thống trước đây của Mỹ - có thể hiểu rõ được hậu quả sẽ kích động chiến tranh với Iran - đã lựa chọn không hành động. Trong những ngày tới, chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải giải thích vì sao lựa chọn hành động vào thời điểm này.
Khi ông Trump nhậm chức, không có một cuộc khủng hoảng tức thì nào giữa Mỹ với Iran. Bằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, bóp nghẹt nền kinh tế Iran và giờ đây là sát hại Tướng Soleimani, ông Trump đã khiến sự đối đầu quay trở lại. Động thái mới nhất này cũng sẽ làm tiêu tan hy vọng rằng Mỹ và Iran có thể giải quyết những bất đồng bằng đối thoại.
Đó là một canh bạc lớn. Tuy nhiên, lịch sử Mỹ cho thấy, những Tổng thống từng đánh cược sự nghiệp của mình trên bàn cờ chính trị Trung Đông thường thất bại.
Giới phân tích trong những ngày tới sẽ còn nghiên cứu xem liệu cái chết của Tướng Soleimani có khiến Lực lượng Quds của IRGC mất đi tính gắn kết hay không và liệu điều đó có thể hạ bệ được sức mạnh trong khu vực của lực lượng này, ít nhất ở ở thời điểm trước mắt, hay không.
Dù vậy, việc sát hại Tướng Soleimani là một đòn mạnh đối với Iran bởi Tư lệnh lực lượng Quds này có vai trò quan trọng trong việc Iran giành ảnh hưởng lớn trong khu vực. Và Iran tuyên bố sẽ “trả thù”.
Hiện vẫn chưa rõ Iran sẽ đáp trả như thế nào. Tuy nhiên, với một mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm từ Hezbollah tới Hamas, Iran có khả năng tiến hành cuộc tấn công nhanh chóng và mạnh mẽ nhằm vào các đồng minh của Mỹ như Israel và Saudi Arabia cũng như các tài sản và nhân sự của Mỹ trong khu vực.
Iran cũng có thể tác động tới nền kinh tế toàn cầu bằng cách tấn công tàu chở dầu ở eo biển Hormuz. Giới chức Mỹ và các quan chức quân sự hàng đầu có thể sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu khi đi nước ngoài…
Lính Mỹ ở Iraq, Syria và Afghanisan có thể đặc biệt có nguy cơ bị tấn công bởi các lực lượng liên minh với Iran. Về mặt chính trị, chính phủ Iraq có thể không có lựa chọn nào ngoài việc đề nghị các lực lượng Mỹ rời khỏi nước này sau cuộc không kích ở sân bay quốc tế Baghdad.
Mạo hiểm với mục tiêu tái đắc cử
Cuộc không kích tiêu diệt Tướng Iran do đích thân Tổng thống Trump chỉ đạo có thể sẽ định hình lại động lực của cuộc đua bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Điều này mở ra một con đường cho đảng Dân chủ chạy đua như các ứng cử viên phản đối chiến tranh – một quan điểm đã từng giúp 2 vị Tổng thống gần đây nhất của Mỹ là Donald Trump và Barack Obama đắc cử.
Ứng viên đảng dân chủ Bernie Sanders ngày 3/1 đăng tải một video tuyên bố sẽ làm mọi điều có thể “để ngăn chặn một cuộc chiến tranh với Iran”.
“Nếu bạn nghĩ chiến tranh ở Iraq là một thảm họa, thì tôi đoán cuộc chiến tranh ở Iran sẽ còn tồi tệ hơn”, Thượng nghị sỹ bang Vermont nói.
Ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ Joe Biden có lẽ sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất nếu canh bạc Iran của Tổng thống Trump thất bại.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ đã từng đề xuất điều trần về hồ sơ kích động bất ổn và đổ máu của Soleimani, nhưng ông cũng nói thêm rằng, Tổng thống Trump vừa châm lửa vào ngòi nổ.
“Ông ấy nợ người dân Mỹ một lời giải thích về chiến lược và kế hoạch đảm bảo an toàn cho các binh sỹ, các nhân viên sứ quán, các công dân và lợi ích của chúng ta cả ở trong nước và nước ngoài, cũng như các đối tác của Mỹ trong khu vực”, ông Biden nói./.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)