Đứng ở vị trí là “cái bồ thông tin” của thị trường, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều Hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc của Anphabe – công ty cung ứng giải pháp Thương hiệu Nhà Tuyển Dụng và Nguồn Nhân Lực Hạnh Phúc Anphabe cảm nhận rất rõ những xáo động trong nguồn nhân lực Việt Nam vào lúc này, nhất là nhóm làm chuyên môn. Ngày nào cũng có thêm thông tin công ty này cho nghỉ việc, công ty kia yêu cầu nhân viên nghỉ không lương hoặc đi làm thì phải giảm, hoãn nhận lương.
Ở Start up trước khi mở Anphabe, trong khủng hoảng 2008-2010, bà Thanh Nguyễn từng chấp nhận đi làm không lương một năm, 1 năm chỉ nhận lương 50%. Bà cũng đã ở vị trí phải cắt lương nhân viên nên bà hiểu được cảm xúc của những người bị mất việc đột ngột trong đợt Covid này.
Dưới đây là những chia sẻ của bà Thanh Nguyễn tới những nhóm nhân sự này.
Không trách cứ bản thân và quá tự ti
Ngày 31/3 vừa rồi là ngày có rất rất nhiều người nhận được thông báo “nghỉ việc”, nhất là những ai làm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tôi có thể hiểu được thế giới của họ đã chao đảo như thế nào khi nhận được yêu cầu quá sức bất ngờ và ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ và gia đình.
Sẽ có hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao lại là mình, mà không phải người khác? Tại sao lại là lúc này, khi vừa mới có những kế hoạch này, kế hoạch kia...? Cơn sóng cảm xúc của sự hụt hẫng xen lẫn lo lắng cho tương lai bóp nghẹt con tim của họ: Mình sẽ lo cho con sao đây?; Mình sẽ nói với bố mẹ và bạn bè thế nào?... và có lẽ không thiếu sự bi quan về bản thân “mác” bị mất việc giờ kiếm việc mới đâu ra...
Một nhân sự cao cấp trong ngành ngân hàng có gọi cho tôi về việc phải chuẩn bị cắt giảm một lượng lớn nhân viên với ý là hàng ngàn nhân viên và việc cắt giảm có khác nào quay xổ số, trúng ai thì người đó chịu.
Chuyện gì, rồi cũng sẽ qua. Và chuyện này cũng sẽ thế. Còn đôi tay, còn khối óc và con tim thì mình còn có giá trị. Chúc các bạn chân cứng đá mềm, và đừng bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp
Và thực tế là như thế. Khi con thuyền tròng trành “dọa đắm” trong dông bão, dù đau lòng tới mấy, người thuyền trưởng cũng phải cắn răng bỏ bớt những “gánh nặng quá sức”.
Trong lúc này nguồn nhân lực đang quá dư so với nhu cầu từ khách hàng. Và những người bị đột ngột mất việc chỉ đang vô tình nằm trong số đó mà thôi. Hãy ghi nhận rằng mình đang buồn đấy, đang lo đấy, nhưng đừng vì thế mà “cá nhân hóa vấn đề” để trách cứ bản thân và quá tự ti với tình trạng hiện tại. Tôi rất thích câu nói này “Khi có bão, hãy lo trú bão trước, chứ đừng vặn vẹo tại sao có bão”
Thẳng thắn nhìn nhận hoàn cảnh, và đừng ngại nhờ giúp đỡ
Khi không còn nhìn sự việc qua lăng kính của sự đau buồn và thất vọng, các bạn sẽ tỉnh táo hơn và có dũng khí hành động hơn. Mất việc đó, rồi sao? Cất bước lên và đi tiếp thôi chứ sao.
Tối mới đọc trên facebook về trường hợp một bạn phát triển dự án ở một công ty IT khá có tiếng bất ngờ nhận được cái mail của nhân sự yêu cầu nghỉ việc ngay trước khi bạn đang chuẩn bị làm một bài thuyết trình quan trọng. Sếp của bạn thậm chí còn bật khóc luôn vì không được biết trước việc này và cũng chả thể lý giải tại sao lại là bạn ý. Nhưng tôi rất phục cách xử lý của bạn: Thẳng thắn chia sẻ trên facebook vì việc vừa bị mất việc, và tường thuật khách quan việc mất việc bất ngờ thế nào chứ cũng chẳng nói xấu, chửi móc công ty gì hết.
Tuy nhiên, bạn cũng nhân tiện chia sẻ luôn điểm mạnh chủ đạo của mình và nhờ bạn bè giúp đỡ tìm việc. Nhìn vào lượng comment và mong muốn hỗ trợ bạn ấy, tôi tin rằng khi chúng ta không ngại, không xấu hổ chia sẻ khó khăn của mình một cách chân thành, sẽ luôn có những sự hỗ trợ mà đôi khi họ không ngờ tới.
Trong nguy, luôn có cơ
Khi nhà đầu tư cắt đầu tư vào công ty startup trước của tôi về con số 0, tôi có thể lựa chọn bỏ cái công ty đó luôn để lo xin việc mới ở chỗ khác, những nơi có thể trả lương cao và cho mình sự ổn định. Nhưng tôi đã không làm thế. Tôi quay lại nói với nhà đầu tư là để tôi làm không lương 1 năm, năm sau doanh thu về tới đâu tôi mới nhận lương đến đấy. Nhưng khoản lương tôi không nhận, các anh phải chuyển thành cổ phần cho tôi.
Chính nhờ thế mà sau 3 năm, do một số thay đổi chiến lược, chúng tôi đóng công ty đó nhưng tôi vẫn được rút cổ phần ra và có đủ tiền để mở Anphabe sau này. Nên thực lòng, tôi rất biết ơn những tháng ngày không lương đó.
Trong bối cảnh này, gần như tất cả các công ty có cắt giảm nhân sự đều đang đi theo chiến lược chuyển đổi một phần bộ phận hỗ trợ sang thành bán hàng, bán được thì còn tồn tại, không bán được thì nghỉ. Hoặc phải rất giỏi kiêm nghiệm vì một người sẽ phải làm việc của hai, ba người. Đây chính là cơ hội để bạn chuyển hướng nghề nghiệp, để học hỏi cách tạo giá trị rõ ràng hơn cho doanh nghiệp (cũ cũng như mới). Hoặc nếu chưa sẵn sàng, hãy dành thời gian trau dồi thêm một số năng lực quan trọng để chuẩn bị cho bước tiến hơn trong tương lai.
Chuyện gì, rồi cũng sẽ qua. Và chuyện này cũng sẽ thế. Còn đôi tay, còn khối óc và con tim thì mình còn có giá trị. Chúc các bạn chân cứng đá mềm, và đừng bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp.