Tại Công văn số 422/CT-TTHT ngày 06/01/2020 trả lời Công văn số 82/PHN của Công ty cổ phần Pin Hà Nội liên quan đến vướng mắc chính sách thuế đối với việc trích lập dự phòng đầu tư tài chính, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, căn cứ Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 của Bộ Tài chính quy định dự phòng tổn thất các khoản đầu tư gồm có “các khoản đầu tư khác”. Cụ thể, là các khoản đầu tư vào tổ chức kinh tế trong nước, không phải các khoản đầu tư chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều 5, doanh nghiệp đang sở hữu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm có cơ sở cho thấy có giá trị suy giảm so với giá trị đầu tư của doanh nghiệp.
Về mức trích lập, căn cứ báo cáo tài chính riêng của tổ chức kinh tế nhận vốn góp lập cùng thời điểm lập báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp góp vốn, doanh nghiệp góp vốn xác định mức trích dự phòng cho từng khoản đầu tư như sau:
Mức trích dự phòng cho từng khoản đầu tư |
= |
Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ thực góp (%) của doanh nghiệp tại tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng |
X |
Vốn đầu tư thực tế của các chủ sở hữu ở tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng |
- |
Vốn chủ sở hữu của tổ chức kinh tế - nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng |
Trong đó:
- Vốn đầu tư thực tế của các chủ sở hữu ở tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng được xác định trên Bảng cân đối kế toán năm của tổ chức kinh tế nhận vốn góp (mã số 411 và mã số 412 Bảng cân đối kế toán - ban hành kèm theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính và văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế - nếu có).
- Vốn chủ sở hữu của tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng được xác định trên Bảng cân đối kế toán năm của tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng (mã số 410 Bảng cân đối kế toán - ban hành kèm theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính và văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế - nếu có).
Tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm, nếu các khoản đầu tư vào tổ chức kinh tế có giá trị suy giảm so với giá trị đầu tư của doanh nghiệp thì doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng theo các quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 5. Đồng thời, trường hợp tổ chức kinh tế nhận vốn góp không lập báo cáo tài chính cùng thời điểm thì doanh nghiệp không được thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư này; ngoại trừ các trường hợp sau, doanh nghiệp được thực hiện trích lập dự phòng căn cứ theo báo cáo tài chính quý gần nhất của tổ chức kinh tế nhận vốn góp:
Thứ nhất, tổ chức kinh tế nhận vốn góp không lập báo cáo tài chính cùng thời điểm lập báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp góp vốn do đã ngừng hoạt động và đang chờ xử lý (giải thể, phá sản).
Thứ hai, tổ chức kinh tế nhận vốn góp được phép lập báo cáo tài chính khác với thời điểm lập báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp góp vốn và đã có thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kế toán.
Căn cứ khoản 2 Điều 99 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, thì các đối tượng sau phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ (Báo cáo tài chính quý và Báo cáo tài chính bán niên): Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ; Các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng tại điểm a nêu trên được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (nhưng không bắt buộc).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, báo cáo tài chính giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với Báo cáo tài chính giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh...
Bên cạnh đó, theo Cục Thuế TP. Hà Nội, căn cứ Điều 4 sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC thì trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất; kinh doanh của doanh nghiệp; Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật; Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng - GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế GTGT...
Đồng thời, các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng (như: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập...).
Như vậy, căn cứ các quy định trên, trường hợp góp vốn vào Công ty TNHH Pin GP, thì Công ty TNHH Pin GP lập báo cáo tài chính năm khác với thời điểm lập báo cáo tài chính năm của Công ty cổ phần Pin Hà Nội thì Công ty cổ phần Pin Hà Nội không được trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư này, trừ các trường hợp Công ty được thực hiện trích lập dự phòng căn cứ theo báo cáo tài chính quý gần nhất của Công ty TNHH Pin GP theo hướng dẫn tại khoản 2.c Điều 5 Thông tư số 48/2019/TT-BTC nêu trên.
Trường hợp Công ty cổ phần Pin Hà Nội thực hiện trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính không theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC thì Công ty cổ phần Pin Hà Nội không được tính trừ khoản trích lập dự phòng này khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC.
Hoa Sơn