Cho vay margin và môi giới: Khối công ty ngoại tăng thị phần

Cho vay margin và môi giới: Khối công ty ngoại tăng thị phần
Đa phần công ty chứng khoán vốn ngoại tăng vốn mạnh đều có dư nợ cho vay năm 2019 tăng cao so với năm 2018, mảng đóng góp doanh thu lớn nhất vẫn đến từ cho vay và môi giới. 

725

Top 10 dư nợ cho vay: Mirae Asset dẫn đầu

Thống kê báo cáo tài chính quý IV/2019 của các công ty chứng khoán cho thấy, tổng giá trị các khoản cho vay (trong đó trung bình đến 97% là khoản cho vay giao dịch ký quỹ - margin, phần còn lại là tạm ứng) là hơn 57.961 tỷ đồng.

Nhìn lại con số 3 năm gần nhất cho thấy, có sự thay đổi thành viên trong Top 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin cao nhất thị trường.

Nếu như năm 2017, Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán TP.HCM (HCM), Chứng khoán Bản Việt (VCI), Chứng khoán VNDIRECT (VND), Chứng khoán MB (MBS)… là những cái tên quen thuộc về dư nợ cho vay, thì năm 2018 xuất hiện trong Top 2 về dư nợ cho vay là Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset) - công ty có vốn Hàn Quốc, tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2018 và năm 2019.

Hiện Mirae Asset có vốn điều lệ 5.455,5 tỷ đồng, cao nhất trong khối công ty chứng khoán.

Tại thời điểm 31/12/2019, Mirae Asset có dư nợ cho vay margin 7.006 tỷ đồng, dẫn đầu thị trường, tăng 3.585 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

SSI là công ty chứng khoán có dư nợ cho vay lớn nhất năm 2017, 2018, nhưng xuống vị trí thứ hai trong năm 2019, giá trị hợp lý các khoản cho vay ký quỹ là 5.255,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với trước.

HSC gia tăng giá trị các khoản cho vay, trong đó cho vay margin tăng thêm 1.537 tỷ đồng, đạt 4.680 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.

Trong năm qua, HSC đã tăng vốn điều lệ từ 1.298 tỷ đồng lên 3.059 tỷ đồng.

Theo sau là VCI và VND, dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm 2019 gia tăng so với thời điểm cuối năm 2018.

Liền kề sau đó, không phải là những công ty chứng khoán vốn nội quen thuộc, mà là sự góp mặt của Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS, có vốn Hàn Quốc), với giá trị cho vay margin cuối năm 2019 hơn 2.795 tỷ đồng, tăng 888 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong Top 10 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay lớn nhất năm 2019 xuất hiện gương mặt mới là Chứng khoán VPS (VPS) và công ty chứng khoán ngoại là Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

Trong đó, VPS có dư nợ cho vay ký quỹ 2.371 tỷ đồng, tăng 998 tỷ đồng; con số này tại KBSV là 1.893 tỷ đồng, tăng hơn 841 tỷ đồng.

Một số gương mặt cũ các năm trước rời khỏi danh sách Top 10 về giá trị cho vay năm 2019 như Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Trường hợp của SHS, Công ty giảm cho vay margin từ 1.794 tỷ đồng xuống còn 1.545 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ tăng gấp đôi, từ 1.054 tỷ đồng lên 2.073 tỷ đồng.

Dĩ nhiên, con số cho vay margin ngoài tùy thuộc vào nguồn vốn và khả năng huy động nguồn của công ty chứng khoán, còn tùy vào chính sách cho vay margin của mỗi công ty.

Cho vay margin và môi giới: Khối công ty ngoại tăng thị phần

Nhưng thực tế cũng cho thấy, những công ty có sự thăng hạng nhanh trong Top 10 các khoản cho vay đa số giành được thị phần môi giới lớn.
Chẳng hạn, Mirae Asset và KIS có tên trong Top 10 thị phần môi giới lớn nhất năm 2019 trên HOSE, KBSV lọt vào Top 10 trong quý IV/2019.

Cho vay margin và môi giới đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn

Theo báo cáo tài chính của Mirae Asset, tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch qua Công ty trong quý IV/2019 đạt hơn 1,4 tỷ đơn vị, với giá trị 33.234 tỷ đồng.

Trong năm qua, Công ty vươn lên vị trí thứ 6 về thị phần môi giới trên HOSE, với tỷ lệ 4,47%. Phần lớn tài sản của Mirae Asset là các khoản cho vay, chiếm tỷ trọng 75% - chủ yếu là cho vay margin.

Riêng quý IV/2019, Mirae Asset đạt 291,5 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó lãi từ các khoản cho vay và phải thu 193 tỷ đồng (gấp 2,6 lần); doanh thu môi giới 51 tỷ đồng (gấp 2,2 lần) và lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 36 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2019, danh mục tự doanh của Mirae Asset gần như đã thanh lý hết, bao gồm các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục như VNM, MSN, BVH, VCB, HPG, POW, GMD.

Ðiều này khiến tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) chỉ còn vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng (giá gốc), trong khi đầu năm là hơn 62 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2019, Mirae Asset đạt 942 tỷ đồng doanh thu hoạt động, đóng góp chính từ các khoản cho vay và phải thu, môi giới và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn; lợi nhuận sau thuế gần 37 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2018.

Ðối với KIS, lợi nhuận sau thuế quý IV/2019 đạt trên 36 tỷ đồng, tăng hơn 14 tỷ đồng (+53%) so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do tăng doanh thu hoạt động, đạt 133,5 tỷ đồng, tăng 58,3 tỷ đồng (+78%). Sự gia tăng này đến từ các khoản cho vay ký quỹ tăng gần 28 tỷ đồng, tương ứng tăng 77% và lãi FVTPL tăng 21,7 tỷ đồng, chủ yếu do phát hành chứng quyền.

Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính tăng 4,4 tỷ đồng nhờ đánh giá lại tỷ giá các khoản vay bằng USD.

Lũy kế cả năm 2019, KIS đạt doanh thu hoạt động 408 tỷ đồng, tăng 36%, chủ yếu nhờ doanh thu cho vay và phải thu, trong khi doanh thu môi giới giảm 12,5%.

Tương tự Mirae Asset, cơ cấu tài sản của KIS phần lớn là các khoản cho vay, ở mức 2.846 tỷ đồng, chiếm 80%.

Trong khi đó, với KBSV, giá trị tài sản cuối năm ngoái là hơn 5.565 tỷ đồng, tăng gần 3.500 tỷ đồng so với đầu năm, đến từ FVTPL tăng 895 tỷ đồng, ghi nhận 1.325 tỷ đồng, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 815 tỷ đồng, ghi nhận 1.087 tỷ đồng và các khoản cho vay hơn 1.200 tỷ đồng, ghi nhận 2.349 tỷ đồng.

Vay ngắn hạn của KBSV tăng vọt từ 665 tỷ đồng lên 3.284 tỷ đồng, Công ty không còn vay dài hạn, trong khi đầu năm 2019 là hơn 170 tỷ đồng.

Trong năm qua, Công ty thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.107 tỷ đồng lên 1.675 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2019, KBSV ghi nhận doanh thu hoạt động 465,5 tỷ đồng, tăng 72,5%.

Trong đó, doanh thu cho vay gấp 2,7 lần năm 2018; doanh thu môi giới tăng 90%; lãi các khoản đầu tư nắm giữ ngày đáo hạn 99 tỷ đồng, tăng 5 lần; lãi FVTPL tăng 13,6 lần; ngược lại, doanh thu tư vấn đầu tư chứng khoán giảm còn 13 tỷ đồng, trong khi năm 2018 là 112,6 tỷ đồng.

Kết quả, Công ty lãi sau thuế 111,4 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2018.

Cũng có kết quả tích cực, Chứng khoán Yuanta Việt Nam trong năm 2019 ghi nhận doanh thu 246 tỷ đồng, tăng 92%, trong đó mảng cho vay ghi nhận 173 tỷ đồng, tăng 162% và môi giới 60 tỷ đồng, tăng 62%; lợi nhuận sau thuế 20,6 tỷ đồng, gấp 8,96 lần năm 2018.

Trong cuộc đua tăng vốn, tăng thị phần nổi bật của các công ty chứng khoán vốn ngoại, vẫn có nhiều công ty vốn ngoại khác có chuyển biến, nhưng chưa quá nổi bật, chẳng hạn Chứng khoán Nhật bản (JSI), Chứng khoán Shinhan Việt Nam, Chứng khoán NH Việt Nam…

Cụ thể, với JSI, thành lập và hoạt động ngày 16/1/2009. Công ty được thành lập bởi Tổng công ty Viglacera và có sự tham gia của các cổ đông Nhật Bản là Công ty Chứng khoán Aizawa, Công ty Japan Asia Holdings và Công ty Ðầu tư Tanamark.

Từ khi thành lập đến nay, doanh thu của JSI loanh quanh 10 - 15 tỷ đồng, lợi nhuận thường xuyên âm.

Năm 2019, Công ty khởi sắc hơn với doanh thu 24,6 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 7 tỷ đồng, trong khi năm 2017 thu lỗ và năm 2018 lãi vỏn vẹn 413 triệu đồng.

Trong quý III/2019, JSI có động thái mới là tổ chức họp Ðại hội đồng cổ đông bất thường để tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 160 tỷ đồng, đồng thời được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép bổ sung nghiệp vụ tự doanh.

Với NH Việt Nam, kết quả kinh doanh thua lỗ trong giai đoạn 2015 - 2018, năm 2019 có diễn biến tích cực hơn với doanh thu 92 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 9 tỷ đồng.

Năm 2017, NH Investment & Securities mua hơn 6,6 triệu cổ phiếu Woori CBV từ 15 nhà đầu tư cá nhân, nâng tỷ lệ sở hữu tại Chứng khoán Woori CBV lên 96,15%.

Năm 2018, Woori CBV chính thức dừng hoạt động, thay vào đó là các cơ quan chức năng cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty TNHH Chứng khoán NH Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2019, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của NH Việt Nam tăng lên 1.462,5 tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu năm; các khoản cho vay tăng lên 274 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ là 29 triệu đồng; dự thu cổ tức, tiền lãi đến ngày nhận tăng gấp đôi, lên hơn 58 tỷ đồng.

Nhã An

 

Tags: Margin Môi Giới Khối Công Ty Ngoại Chứng Khoán Vndirect Chứng Khoán Bản Việt Mirae Asset Kis Việt Nam Chứng Khoán Acb