Tại khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, người chồng có nghĩa vụ chia sẻ việc nhà với vợ. Đó là trách nhiệm chứ không đơn thuần là sự tự nguyện. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, phụ nữ thường phải đảm đương công việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, làm việc nhà nhiều hơn chồng.
Vào những dịp lễ tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhiệm vụ nấu cỗ, chuẩn bị cơm cúng, dọn dẹp và rửa bát sau đó được giao hoàn toàn cho người vợ. Rất hiếm có trường hợp chồng cùng vào bếp hỗ trợ vợ những công việc đó. Vì thế, ngày Tết với phụ nữ Việt vất vả hơn, không có thời gian nghỉ ngơi, đi chơi chúc Tết. Trong khi đó, đàn ông Việt lại thảnh thơi hơn nhiều.
Các quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân và gia đình hiện nay được áp dụng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Điểm a khoản 1 Điều 52 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng đối với hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó.
Như vậy, có thể hiểu nếu người chồng không cho vợ đi chơi Tết, ngăn cản vợ về thăm nhà ngoại thì có thể sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền như trên. Ngoài ra nếu không chia sẻ việc nhà với vợ vào ngày Tết, bắt ép vợ rửa bát cũng sẽ bị phạt theo quy định.
Cũng về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình. Theo đó, chồng chửi vợ hoặc vợ chửi chồng sẽ bị phạt tiền. Cụ thể, Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với người có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.