Chủ tịch Hoa Sen ở trên núi, mỗi tháng đến công ty 1-2 lần

Chủ tịch Hoa Sen ở trên núi, mỗi tháng đến công ty 1-2 lần
"Hơn 3 năm qua, tôi ít ở tập đoàn. Vợ con ở Australia, thỉnh thoảng tôi qua thăm. Tôi thường ở trên núi. Anh em đủ sức điều hành không cần tới tôi”, ông Lê Phước Vũ nói.

Trong phiên họp Đại hội cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen sáng 13/1, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ dành hơn 20 phút để chia sẻ với cổ đông về chiến lược của tập đoàn và việc ông lên núi ở.

“Hơn 3 năm qua, sau vụ Cà Ná (Dự án thép Hoa Sen Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận bị dừng năm 2017 - PV), tôi ít ở tập đoàn. Vợ con tôi ở Australia, thỉnh thoảng tôi qua thăm. Tôi thường ở trên núi. Anh em đủ sức điều hành không cần tới tôi”, ông Vũ mở đầu.

Giảm 1/3 nhân sự sau một năm

Theo Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, trong 3 năm vừa rồi, thông thường 1-2 tháng, ông chỉ tới công ty 1-2 lần và mỗi lần cũng chỉ đến vài tiếng. Tuy nhiên, ông vẫn thường trao đổi với Phó chủ tịch HĐQT thường trực Trần Ngọc Chu và Tổng giám đốc Trần Quốc Trí qua điện thoại.

“Ở Australia, tôi gọi ít nhất một ngày một lần, ở trên núi tôi cũng gọi. Tháng ổn định có khi 2, 3 ngày tôi mới gọi. Tháng có nhạy cảm về giá, biến động lớn, gần như ngày nào tôi cũng gọi”, ông Vũ kể lại.

Chủ tịch Hoa Sen nhấn mạnh đội ngũ điều hành của tập đoàn đã thật sự trưởng thành, không phải lệ thuộc vào cá nhân ông.

Ông Vũ đánh giá đây là điều quan trọng vì một công ty đại chúng có 20.000 cổ đông nếu để lệ thuộc vào một cá nhân sẽ là sai lầm.

Ông Lê Phước Vũ khẳng định đội ngũ điều hành tập đoàn Hoa Sen trong 2 năm thách thức vừa qua đã đồng lòng, quyết tâm đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khắc nghiệt nhất của thị trường, tái cấu trúc toàn bộ công ty.

Ông Lê Phước Vũ ít xuất hiện trước truyền thông trong thời gian qua. Ảnh: HSG.

Ông chủ Tập đoàn Hoa Sen cho biết trong gần một năm, doanh nghiệp đã tái cơ cấu giảm gần 1/3 nhân sự, từ con số lúc cao nhất là 9.700 nhân viên xuống còn gần 6.700 nhân viên trong gần một năm.

Bên cạnh đó, Hoa Sen cũng đã tái cơ cấu toàn bộ hệ thống phân phối với việc chuyển đổi mô hình hoạt động của nhiều chi nhánh ở tỉnh trở thành cửa hàng với định hướng chỉ duy trì một chi nhánh ở mỗi tỉnh.

Ngoài ra, ông Vũ cho biết Hoa Sen đang điều hành doanh nghiệp thông qua hệ thống ERP. Ông đánh giá đây là công cụ quản trị hiện đại, tối ưu nhất. Ban điều hành công ty đã mất 3 năm để triển khai thành công toàn bộ hệ thống ERP, quản trị doanh nghiệp một cách chuẩn mực, chính xác, nhanh gọn, hiệu quả.

“Đến lúc nên phòng thủ”

Nhắc lại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế 25% lên mặt hàng thép nhập khẩu với tất cả các nước vào tháng 3/2018, ông Vũ cho rằng nếu không có sự kiện này, Tập đoàn Hoa Sen đã có thể lãi 1.200-1.500 tỷ đồng trong năm 2018 và không phát sinh khoản mất cân đối tài chính 1.700 tỷ đồng.

Đã đến lúc chúng ta nên phòng thủ. Chúng ta sẽ ưu tiên về sự lành mạnh của báo cáo tài chính.

Ông Lê Phước Vũ

Chủ tịch Hoa Sen cho hay hiện tập đoàn đã giải quyết được một phần và khoản mất cân đối tài chính còn khoảng 1.300 tỷ đồng. Với việc khấu hao mỗi tháng 100 tỷ cộng với khả năng lớn sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận 400 tỷ trong năm nay, ông Vũ ước tính khoản mất cân đối sẽ giảm còn 500 tỷ đồng vào cuối năm.

Ông Vũ kỳ vọng dư nợ của Tập đoàn Hoa Sen đến cuối năm 2020 này sẽ còn hơn 8.000 tỷ và đến cuối năm 2021, thời điểm kỷ niệm 20 thành lập công ty, còn xấp xỉ trên 6.000 tỷ đồng. Khi đó, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu sẽ giảm xuống còn mức hơn 1.

Nhắc lại thời điểm khởi sự làm ăn năm 1994 với 1 triệu đồng rồi đến năm 2001 khi thành lập, vốn cổ phần của Hoa Sen là 30 tỷ và hiện đã lên tới hơn 4.200 tỷ đồng, ông Vũ nói “công ty thắng vì tấn công” suốt hơn 20 năm nay.

“Lúc này tôi già rồi, nếu làm Nhà nước thì 2-3 năm nữa nghỉ hưu rồi. Nói như thế không phải là chúng ta dừng lại nhưng lúc này sẽ chơi phòng thủ nhiều hơn tấn công. Hai mấy năm tấn công liên tục thì đến lúc chúng ta nên phòng thủ. Chúng ta sẽ ưu tiên về sự lành mạnh của báo cáo tài chính”, Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ tâm sự với cổ đông.

Ông Vũ cho biết sắp tới Tập đoàn Hoa Sen vẫn đầu tư nhưng sẽ cân nhắc hết sức thận trọng, không ồ ạt như thời gian trước đây.

Niên độ tài chính 2019-2020, Hoa Sen đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn và doanh thu thuần 28.000 tỷ đồng, không chênh lệch đáng kể so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 400 tỷ đồng.

Đồ họa: Quang Thắng.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo ông Vũ, trong ngành thép và ngành tôn, sự cạnh tranh rất khốc liệt. Doanh nghiệp này đã dự báo khó khăn trong ngành thép và tôn từ cách đây 5 năm.

Công ty không cạnh tranh về giá mà cạnh tranh bằng dịch vụ, chất lượng, tiêu chuẩn cao, bằng uy tín thương hiệu, bằng hệ thống phân phối.

Không ai nghĩ kinh doanh để lỗ nhưng tình thế phải lỗ để trả ngân hàng. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp ngành tôn thép đều rơi vào tình trạng đó.

Ông Lê Phước Vũ

“Cung vượt cầu thì người ta càng cạnh tranh về giá. Đến đáo hạn ngân hàng, không trả đâu được, cứ bán đã, có tiền trả ngân hàng. Không ai nghĩ kinh doanh để lỗ nhưng tình thế phải lỗ để trả ngân hàng. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp ngành tôn thép đều rơi vào tình trạng đó”, ông Vũ đánh giá về thị trường.

Ông chủ Hoa Sen cho biết việc mở ra dự án ở Cà Ná là một mũi nhọn tạo ra đột phá cho tập đoàn nhưng “không làm được vì ngay thẳng quá”.

Nhắc lại 3 tiêu chí từ khi thành lập công ty là trung thực, cộng đồng và phát triển, ông Vũ nói quan hệ của Hoa Sen với các ngân hàng, định chế tài chính, cơ quan quản lý Nhà nước luôn dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và tôn trọng nhau.

“Hoàn toàn không có phong bì. Tôi nói rõ và đó là nguyên tắc bất bi bất dịch khi tôi còn là Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen”, ông Vũ nhấn mạnh.

Ông cho rằng tập đoàn muốn phát triển lớn hơn nữa rất khó vì đã chạm trần. “Đó là lý do tôi chọn tôi về núi. Nếu không mở được Cà Ná, chúng ta phải quay lại ngành tôn, không có con đường khác”, ông chia sẻ với cổ đông.

Việt Đức

Tags: Tập Đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ Cà Ná Dự Án Thép Hoa Sen Cà Ná Thép Việt Ngành Thép Ông Chủ Hoa Sen Tôn Hoa Sen