Virus “phụ thuộc”
Theo Chủ tịch VCCI, sự đứt gẫy của các chuỗi giá trị, sự suy giảm sức khỏe của DN và nền kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ còn kéo dài.
“Kiểm soát dịch bệnh đã khó, nhưng giúp DN trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh cũng khó khăn không kém…”- TS Lộc nhận định và cho rằng các giải pháp bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế mới chỉ phát huy tác dụng bước đầu.
Những tác động trực tiếp trên diện rộng của Covid-19 vẫn đang đe dọa sức khỏe nền kinh tế. Đó là tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo đảm đơn hàng cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, khách du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm,... Nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa, rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất. Số DN thành lập mới giảm, DN ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên…
Con "virus" của căn bệnh kinh tế này được Chủ tịch VCCI gọi tên là “phụ thuộc” – tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông Bắc Á, ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế và các chuỗi giá trị toàn cầu.
“Vẫn biết rằng trong thế giới này, chẳng có DN nào, quốc gia nào có thể tự mình làm từ A đến Z. Chúng ta đang sống trong một thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau và chuỗi giá trị toàn cầu là mô thức phổ biến của các ngành công nghiệp. Nhưng riêng khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng khách nước ngoài tới Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 35% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, linh kiện phụ tùng cho các ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử… nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất thì khó có thể yên ổn được….”- ông dẫn chứng và lo ngại, chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một mắt khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương.
“Với tình trạng này thì khi DN Trung Quốc “hắt hơi”, DN Việt Nam không “sổ mũi” thì mới là chuyện lạ và tác động của Covid-19 chỉ là một ví dụ…”- Chủ tịch VCCI quả quyết.
Trong rủi có may…
Để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, theo người đứng đầu cộng đồng DN Việt Nam, biện pháp cấp bách trong ngắn hạn là hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính cũng phải rất khẩn trương, quyết liệt như chống dịch, đồng thời phải cố gắng giảm được chi phí cho DN …
Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải rất coi trọng thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào.
“Chúng ta ngày càng ngộ ra rằng muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đứng vững trên thị trường nội địa. Với 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu bùng nổ, với một nền kinh tế đang lên, thị trường trong nước phải là điểm tựa, là tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển quốc gia...”- Chủ tịch VCCI quả quyết và cho rằng chúng ta không thể không tính tới điều này trong một chiến lược bài bản hơn, thực chất và hiệu quả hơn cho phát triển thị trường trong nước ngay từ lúc này .
Ông cho rằng các cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam" cần có thêm những xung lực mới. Đồng thời cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hoá thị trường.
“Trong cái rủi có cái may, việc dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu và dòng chảy thương mại , đầu tư để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do xuyên Thái bình dương, xuyên Đại Tây dương như CPTPP và EVFTA... đang khơi dậy những động lực và mở ra những không gian mới cho việc đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa và nguồn cung ứng từ các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Đông Bắc Á để giảm tình trạng phụ thuộc…”- Chủ tịch VCCI đề xuất và nhấn mạnh vai trò thúc đẩy và dẫn dắt của các thương hiệu và chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam chỉ là một mắt xích.
Ông cho rằng cần những nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ để Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Phải chú trọng hơn việc xây dựng và điều hành chính sách công nghiệp quốc gia, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển DN tư nhân trong nước, lựa chọn thế hệ các nhà đầu tư FDI có khả năng tích hợp và liên kết với cộng đồng DN nội địa, đẩy mạnh cải cách khu vực DN nhà nước, thực sự đặt DN nhà nước trước áp lực của thị trường. Đồng thời phải xây dựng được một nền hành chính minh bạch, một môi trường kinh doanh thân thiện và cạnh tranh công bằng.
“Chỉ có nền tảng thể chế như vậy mới là bệ đỡ nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam…” - Chủ tịch VCCI khẳng định và cho rằng cần có nhiều nỗ lực đột phá hơn trong hành động. “Mục tiêu trở thành 3-4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu ASEAN theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới phải trở thành mệnh lệnh, là thước đo thành quả (KPI) của những nỗ lực cải cách trong những năm tới…”- TS Vũ Tiến Lộc quả quyết…
Thanh Thanh