Ngày 27/4, chứng khoán châu Âu và châu Á đã đồng loạt tăng điểm trong bối cảnh một số nước nới lỏng các biện pháp hạn chế và Ngân hàng trung ương Nhật Bản công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Tại châu Âu, mở màn phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán tại Madrid (Tây Ban Nha) đã tăng mạnh nhất ở mức 2,6%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán tại Milan (Italy), Frankfurt (Đức), Paris (Pháp) và London (Anh) đã lần lượt tăng 2,4%, 2,2%, 2% và 1,4%.
Tại châu Á, chốt phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tại Nhật Bản đã tăng 525,22 điểm (tương đương 2,71%) lên 19.783,22 điểm, trong khi chỉ số Topix đã tăng 25,96 điểm (tương đương 1,83%) lên 1.447,25 điểm.
Tương tự, chỉ số chứng khoán tại Mumbai (Ấn Độ) tăng hơn 2%, trong khi chỉ số tại Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc) và Singapore đều tăng hơn 1%.
Chỉ số chứng khoán tại Bangkok (Thái Lan), Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc) cũng ghi nhận những diễn biến tích cực, song chỉ số trên thị trường chứng khoán Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines) lại bị sụt giảm nhẹ.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán đã phản ánh những thông tin tích cực trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một số nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 đang giảm mạnh trong những ngày qua.
Tại Tây Ban Nha, các nhà máy và công ty bắt đầu mở cửa trở lại. Ngày 26/4, lần đầu tiên sau 6 tuần, trẻ em Tây Ban Nha được phép ra khỏi nhà đi dạo phố.
Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte cam kết sẽ mở lại các trường học vào tháng 9, đồng thời sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay trong tuần sau khi dừng lệnh phong tỏa.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng tuyên bố sẽ đưa ra chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 17/3.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng dự kiến sẽ thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa trong tuần này, sau khi ông trở lại làm việc sau thời gian điều trị bệnh COVID-19.
Nhằm vực dậy nền kinh tế đang lao đao do chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 27/4 đã quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo đó, Hội đồng Chính sách BOJ đã nhất trí “mua vào một khối lượng cần thiết trái phiếu chính phủ mà không áp đặt mức trần.”
Bên cạnh đó, BOJ sẽ tăng gấp gần 3 lần số lượng trái phiếu công ty và thương phiếu mà ngân hàng trung ương này có thể mua với mục đích hỗ trợ thanh khoản cho các tập đoàn lớn.
Liên quan đến tình hình thị trường dầu mỏ, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ đã giảm tới 13% xuống còn 14,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent Biển Bắc đã giảm 5,4% xuống còn 20,29 USD/thùng.
Trong suốt tuần qua, giá dầu đã liên tục đi xuống do những lo ngại về nhu cầu sụt giảm mạnh, bất chấp việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bắt đầu hạn chế sản lượng./.
Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)