Cổ phần hóa doanh nghiệp năm 2020: Liệu có đạt tiến độ?

Cổ phần hóa doanh nghiệp năm 2020: Liệu có đạt tiến độ?
Kết quả thực hiện cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp (DN) trong năm 2019 đang để lại nhiều câu hỏi về tiến độ CPHDN trong năm 2020.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - một trong bốn DN Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên phải CPH trong năm nay. Ảnh: TQ

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2020, CPH 93 DN, trong đó có 4 DN Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên; 62 DN Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và 27 DN Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.
Đây có thể nói là một phần việc khổng lồ, vì trong các năm qua, việc CPHDN mặc dù đã được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, nhưng con số các DN được CPH rất khiêm tốn, không đạt tiến độ, kế hoạch đề ra.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2019 chỉ có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Trong đó, chỉ có 3 DN thuộc danh mục các DN CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lũy kế giai đoạn 2016 - 2019, mới có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 168 DN đã CPH, chỉ có 36/168 DN CPH thuộc danh mục 128 DN CPH theo Công văn số 991 và Quyết định 26 (đạt 28% kế hoạch).

Như vậy, mặc dù đã được nhắc nhở, đôn đốc nhưng tiến độ CPH các DN tiếp tục chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, nhiều đơn vị còn tồn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM chiếm tới 54% số DN trong danh mục nhưng thời gian qua vẫn "án binh bất động".

4 DN Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ; Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc và Công ty TNHH MTV Khoáng sản (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ cũng được chỉ ra từ lâu và nhắc đi nhắc lại trong các báo cáo, nào là do khâu tổ chức thực hiện và quyết tâm của người đứng đầu DN; kỷ luật chấp hành chỉ đạo của những người có trách nhiệm chưa nghiêm; còn tư tưởng e ngại, sợ mất quyền lợi nên cố tình trì hoãn, kéo dài… và vướng mắc trong vấn đề xử lý đất đai mà DN đang quản lý sử dụng.

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công thì toàn bộ các DN 100% vốn Nhà nước (trong đó gồm cả DN thuộc diện CPH và DN không thuộc diện CPH) đều phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Đối với các DN thuộc diện CPH, Nghị định 126/2017/NĐ-CP đã quy định DN thực hiện rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước và trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định CPH nhưng chưa quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH.

Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH. Để tiến trình CPH đúng theo tiến độ, theo ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 hướng dẫn CPHDN để xử lí những vướng mắc về đất đai cho các DN khi thực hiện CPH trình Chính phủ ban hành trong quý I/2020.

Một trong những nội dung sửa đổi là hướng dẫn cụ thể thêm trình tự, thủ tục, nội dung, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (DN phải được phê duyệt tại phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước). Đồng thời quy định bổ sung để giúp cho DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu và địa phương (nơi DN có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) có ý kiến kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật quản lý tài sản công đối với diện tích đất của DN sử dụng khi CPH và một số nội dung liên quan.

Liệu Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 ra đời có giải quyết được “nút thắt” trong việc đẩy nhanh tiến độ CPHDN trong năm 2020?

TQ

Tags: Cổ Phần Hóa Doanh Nghiệp Năm 2020 Đạt Tiến Độ