Cổ phiếu Lienvietposbank (LPB) còn dư địa tăng giá?

Cổ phiếu Lienvietposbank (LPB) còn dư địa tăng giá?
Sau khi giảm mạnh vào đầu tháng 3/2020, giá cổ phiếu LBP của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Lienvietposbank, UPCoM: LBP) đã có xu hướng phục hồi trở lại.

Sau nhiều phiên bị bán mạnh trên sàn, cổ phiếu LPB từ vùng 7.300 đồng/cp đã về mức giá 6.900 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 22/4. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý dù thị giá nhỏ niêm yết trên sàn UPCoM nhưng thanh khoản giao dịch của LPB đáng phải để nhiều cổ phiếu ngân hàng Top 2 phải thèm khát. Trung bình mỗi phiên giao dịch, cổ phiếu LBP đạt thanh khoản từ 2.000- 5.000 cổ phiếu/phiên. Điều này hiếm gặp ở các cổ phiếu dòng ngân hàng niêm yết trên sàn UPCoM.

Theo BCTC quý I/2020 vừa công bố của LBP, tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản đạt mức hơn 202,9 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 0,43% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt mức 144,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 2,84% và tiền gửi của khách hàng tăng 5,23%, lên hơn 144 nghìn tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/4, cổ phiếu LBP tăng 1,47% đóng cửa ở mức 6.900đ/cp.

Về chất lượng cho vay, ngân hàng đang có 2.079 tỷ đồng nợ xấu, tăng nhẹ 2,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng hiện vẫn đang ở mức 1,44%, không đổi so với đầu năm. Về mảng kinh doanh, mảng tín dụng của LPB vẫn đóng vai trò chủ đạo khi mang về cho ngân hàng khoản lãi 1.438 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Mảng dịch vụ kỳ này ghi nhận khoản lãi hơn 96 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần quý I/2019, trong khi hoạt động khác cũng là điểm sáng của ngân hàng khi ghi nhận khoản lãi hơn 17 tỷ đồng, so với mức lỗ tới hơn 100 tỷ đồng cùng kỳ.

Chi phí hoạt động quý I/2020 của ngân hàng ở mức 929 tỷ đồng, tăng trưởng 28,3% so với cùng kỳ. Bù lại, LPB lại được hoàn nhập khoản dự phòng rủi ro tín dụng hơn 37 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước phải trích lập hơn 133 tỷ đồng. Theo đó, kết thúc quý I/2020, lợi nhuận trước thuế của LPB đạt gần 604 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia chứng khoán, hiện LPB có mức EPS (giá trị lợi nhuận của 1 cổ phiếu tạo ra) cao hơn cả STB, mà giá cổ phiếu lại thấp hơn gần 20% và P/E của LPB cũng thấp nhất dòng ngân hàng, cho thấy thị trường đang định giá LPB ở mức quá thấp so với giá trị hiện tại. Do đó, vùng giá hiện tại đang là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong trung và dài hạn.

LPB được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ độc quyền cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khoảng 10.000 bưu cục ở Việt Nam trong 50 năm. NHNN đã tạo hành lang pháp lý để LPB thành ngân hàng có hệ thống giao dịch đến tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn quốc nhờ là đối tác chiến lược của Bưu điện Việt Nam.

Mới đây, LPB vừa phát hành thành công các đợt trái phiếu, giúp hệ số CAR được cải thiện và đáp ứng tiêu chuẩn mới, đồng thời tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn đã được ngân hàng đáp ứng tốt và giảm thiểu rủi ro thanh khoản. Theo Ban Lãnh đạo LPB, kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE sẽ hỗ trợ giá và thanh khoản của cổ phiếu LBP. LPB đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án niêm yết trên sàn HOSE với thời hạn thực hiện trước 31/12/2020.

Theo phân tích kỹ thuật, LPB đang nằm trong nhịp hồi phục sau khi chạm ngưỡng đáy 5.500đ/cp, kéo theo thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Chỉ báo RSI và MACD đều đang ủng hộ tín hiệu hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn của LPB đã hình thành. LPB nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại vùng kháng cự 9.000-10.000đ/cp trong các phiên giao dịch tới. Do vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng giá 6.900- 7.000đ/cp và chốt lãi ngắn hạn quanh ngưỡng giá 9.000đ/cp và cắt lỗ nếu cổ phiếu LPB mất ngưỡng hỗ trợ 6.000đ/cp.

Hà Phương

Tags: Lpb Nợ Xấu Lienvietposbank Vốn Ngắn Hạn Cho Vay Hose Phát Hành Trái Phiếu Rủi Ro Tín Dụng Dịch Vụ Ngân Hàng